Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Tuyên Quang: Du lịch là kênh quan trọng để quảng bá - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Ông Nguyễn Vũ Linh cho biết, hiện tại toàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp trẻ. Về quy mô, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về tuổi đời, tuổi nghề cũng như thị trường. Với đặc điểm là một tỉnh miền núi nằm giữa Tây bắc và Đông bắc, chi tiêu công thấp, về tiêu dùng các sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, người dân chủ yếu tập trung cho các nhu yếu phẩm; những nhu cầu mang tính thời thượng như lĩnh vực thời trang, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của một số bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn.
“Theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ thanh niên tham gia vào hoạt động kinh tế, có sử dụng lao động ở Tuyên Quang là 1,6/1.000 người. Bình quân Tuyên Quang cứ 1.000 người thì có khoảng 2,5 doanh nghiệp, và độ tuổi thanh niên thì 1.000 người thì mới có 1,6-1,7 doanh nghiệp; có thể thấy số lượng doanh nghiệp còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước”, ông Linh cho hay.
Ở cương vị Chủ tịch Hội, theo ông yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trẻ là gì?
Theo tôi, điều quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp. Nhìn ra vấn đề nhưng có sẵn sàng bắt tay vào việc hay không? Với sự phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay là một lợi thế rất lớn cho tất cả các doanh nghiệp. Nhưng nhận thức của doanh nghiệp như thế nào lại là một câu chuyện khác. Có người sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc để đầu tư, đổi mới doanh nghiệp hoặc chính bản thân người đứng đầu doanh nghiệp đó, nhưng có người lại thờ ơ. Điều này phụ thuộc vào ý thức hệ của mỗi người. Chúng tôi vẫn hay nói chuyện vui là giao lưu để ra tiền hay có tiền mới giao lưu?
Việc mở mang tầm nhìn là cực kỳ quan trọng, không chỉ học hỏi được những cách làm hay mà còn tránh được tình trạng làm theo quán tính, theo các mô hình có sẵn. Ví dụ một chuyện thế này, ở ngã tư có một doanh nghiệp đầu tư cây xăng, và sau đó cũng có khoảng 2 -3 doanh nghiệp khác cũng đầu tư y chang. Như vậy, sẽ thừa cây xăng nhưng những thứ khác thì lại thiếu. V���n đề ở đây là làm thế nào để hình thành nên sự cân đối trên cơ sở hợp tác, bổ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch với sự đa dạng về sản phẩm như du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái; bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp với dư địa phát triển rất dồi dào. Tuy nhiên, hiện tại quy mô còn khá manh mún, hiệu quả chưa cao. Hội có định hướng thế nào đối với các doanh nghiệp hội viên để khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là gắn kết du lịch với nông nghiệp để trở thành một sản phẩm đặc thù của địa phương?
Có thể nói nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch là thế mạnh của tỉnh. Về lâm nghiệp, Tuyên Quang có mức độ che phủ rừng hơn 60%. Tỉnh đã đón một số dự án lớn về chế biến nông sản, chế biến gỗ… nên sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế trên cơ sở điều kiện tự nhiên sẵn có, chẳng hạn huyện Na Hang chiếm tới 20% diện tích toàn tỉnh, tiềm năng sản xuất rất lớn nhưng chưa được khai thác…
Tuyên Quang có vùng chè quanh năm không khác vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên). Tân Cương nằm ở bên kia dải núi Tam Đảo thì Tuyên Quang nằm ở bên này, nên thổ nhưỡng rất tốt, thích hợp với trồng chè, và chất lượng chè rất cao. Hiện tỉnh chỉ có hơn 1.000 ha trồng chè, trong đó có khoảng 200 ha chất lượng cao. Lâu nay chè vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân đất chè. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, những vườn chè có thể trở thành địa điểm du lịch check-in hấp dẫn du khách, nhưng hiện nay còn ít người biết đến…
Địa phương còn có cam Hàm Yên, hồng Xuân Vân nổi tiếng. Trong số 128 sản phẩm OCOP của tỉnh thì hầu hết là tiêu chuẩn 3 sao (tiêu thụ trong tỉnh), mới có rất ít sản phẩm 4 sao (tiêu thụ toàn quốc) và chưa có 5 sao (xuất khẩu). Mới có 60 xã/138 xã có sản phẩm OCOP. Vậy nên còn rất nhiều vấn đề.
Theo nhìn nhận của chúng tôi, du lịch, lữ hành là một kênh rất quan trọng để tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hội doanh nhân trẻ Tuyên Quang mong muốn và hướng đến việc đầu tư điểm giới thiệu sản phẩm, điểm dừng chân… để quảng bá sản phẩm đến khách du lịch, đẩy mạnh tiêu thụ. Về lâu dài sẽ phát triển các mô hình du lịch – nông nghiệp, tuy nhiên để làm được việc này đòi hỏi thời gian cũng như sự kết hợp với nhiều ngành liên quan.
Về du lịch, theo số liệu thống kê, năm 2022 toàn tỉnh đón khoảng 2,3 triệu lượt khách nội địa và quốc tế. Năm 2023 Tuyên Quang dự kiến đón khoảng 2,5 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, nhiều hoạt động hiệu quả như liên kết 8 tỉnh Đông bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh để thu hút du khách; tham gia cùng các tỉnh Tây bắc mở rộng quảng bá du lịch tại Cần Thơ; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023 nhằm đẩy mạnh giới thiệu điểm đến Tuyên Quang với người dân, du khách trong và người nước. Hướng tới thị trường khác biệt về văn hóa vùng miền để thu hút khách tiềm năng là một trong những giải pháp để kích cầu du lịch, đồng thời mở ra các cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương.
Và một điểm nữa là tỉnh sẵn sàng mời các đại sứ du lịch cho từng sự kiện. Hiện Tuyên Quang đã có đại sứ du lịch (ca sỹ Tố Hoa, người con của Tuyên Quang) nhưng với mỗi sự kiện lớn như Lễ hội khinh khí cầu 2023, tỉnh đã mời Á hậu Quản Trần Gia Hân (Miss Peace Vietnam 2022) làm đại sứ để quảng bá hình ảnh. Tôi cho rằng đây là một nỗ lực lớn của địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, luôn chú trọng tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức được mỗi công dân đều là 1 đại sứ của địa phương…
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng du lịch Tuyên Quang có thể thấy những hạn chế, đó là tình trạng kham hiếm buồng phòng ở khu vực trung tâm mỗi khi có sự kiện lớn; điều kiện ăn, nghỉ chưa đáp ứng được với quy mô khách lớn; hiệp hội du lịch chưa thành lập… Có nhiều đối tác, bạn bè của tôi đến tham dự sự kiện nhưng phải về trong ngày hoặc đi rất xa trung tâm mới tìm được nơi lưu trú… Toàn tỉnh mới có khoảng 400 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có hơn 30 khách sạn, còn lại là nhà nghỉ và các homestay, đây là hạn chế lớn trong việc đón khách. Điều đáng mừng là gần đây một số doanh nghiệp đã đầu tư vào cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, tạo nên một không gian xanh ngay giữa lòng thành phố. Điểm nữa là tỉnh đã quy hoạch 1 số sân golf để thu hút dòng khách cao cấp, đồng thời tiếp tục mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến Tuyên Quang phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, gần gũi với thiên nhiên để đón đầu xu hướng du lịch thể thao, sức khỏe …
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Việt Hùng (thực hiện)