Ông Đỗ Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch TYPIC Việt: “Cần chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch bài bản…”
Sau thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn (15/3/2022), sự xuất hiện hình ảnh Du lịch Việt Nam tại hầu hết các thị trường quốc tế là khá mờ nhạt. Sự thiếu linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường dẫn tới nhiều bất lợi, nhất là trong bối cảnh và xu hướng du lịch có sự thay đổi mạnh mẽ, cùng với đó là sự tác động của kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ... đòi hỏi hướng tiếp cận phải thực sự nhanh nhạy.
Mặc dù chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch, song nhiều doanh nghiệp cố gắng gồng mình chịu đựng để chờ cơ hội khi du lịch được mở lại. Đó là lý do dù tài chính cạn kiệt nhưng khá nhiều doanh nghiệp vẫn dốc hết “hầu bao” tham dự các hội chợ du lịch quốc tế lớn như ITB 2022 tại Đức, WTM 2022 tại Vương quốc Anh để nối lại quan hệ với đối tác, khai thác thị trường đồng thời góp phần mang hình ảnh Du lịch Việt Nam đến với các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có phân khúc thị trường, sản phẩm khác nhau nên cách thức marketing theo một cách riêng để hướng vào phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng của mình. Cách làm này (có thể) mang lại hiệu quả cho từng doanh nghiệp, nhưng trên bình diện rộng, chưa đủ mạnh để tạo ra hiệu ứng lan tỏa hình ảnh chung của du lịch quốc gia.
Ngay như với TYPIC Việt, đối tượng khách hàng chủ yếu là thị trường khách nói tiếng Pháp. Ngay khi Việt Nam mở cửa du lịch, chúng tôi đã tự chạy quảng cáo trên Google, Youtube, mạng xã hội tại Pháp, đồng thời sử dụng một số phương pháp đo lường khách hàng. Vì năng lực tài chính có hạn nên chỉ đủ sức hướng quảng cáo vào các sản phẩm, chương trình tour cụ thể, không thể giới thiệu mang tính tổng quan về Du lịch Việt Nam.
Đã có rất nhiều ý kiến về yếu điểm trong xúc tiến quảng bá du lịch, chẳng hạn như thiếu chiến lược, thiếu ngân sách, nguồn lực yếu…, dẫn tới khả năng nhận định thị trường chưa tốt, hình ảnh mang tính định vị điểm đến không được xuất hiện một cách thường xuyên thì rất khó để khách hàng nhớ tới. Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ về những “cái khó” đối với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy, rất kỳ vọng Hội nghị toàn quốc về du lịch lần này sẽ có những giải pháp tháo gỡ, đưa du lịch thoát khỏi tình cảnh “múa gậy trong bị”. Điều các doanh nghiệp rất trông đợi là một chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch tổng thể của quốc gia...
Năm 2023, tình hình kinh tế nói chung và du lịch nói riêng thực sự khó khăn. Sau đại dịch, suy thoái kinh tế lan rộng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Khách du lịch có sự cân nhắc, tính toán khi bỏ ra một khoản chi phí để đi du lịch. Kết quả đo lường khách hàng ở thị trường Pháp do TYPIC tiến hành cho thấy, lượng khách tìm kiếm thông tin về Việt Nam khá nhiều nhưng chỉ để biết, còn khách đặt tour sau khi đã có thông tin khá ít. Dòng khách du lịch thuần túy khám phá, trải nghiệm chỉ vào khoảng 30% so với thời điểm trước dịch, tâm lý chung là cắt giảm chi tiêu.
Từ thực tế phục vụ một số đoàn khách quay lại do đã đặt tour từ trước dịch cho thấy, mức chi tiêu của khách giảm khoảng 60% (so với trước dịch), một số ít khách đặt tour mới cũng cân nhắc nhiều về ăn, ở, mua sắm… Trong khi đó, giá dịch vụ nói chung tại Việt Nam đang có xu hướng tăng khá mạnh so với thời điểm trước dịch, đặc biệt là giá vé hàng không. Hiện tại, các hãng hàng không như Thai Airways, Qatar Airways, Turky Airlines… bay từ châu Âu đến Thái Lan khoảng 700 Euro (khứ hồi); Vietnam Airlines từ Pháp đến Việt Nam từ 1.200 - 1.300 Euro (khứ hồi). Du lịch Thái Lan không chỉ rẻ hơn Việt Nam, mà các thủ tục cũng đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. Điều này lý giải vì sao Thái Lan là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, nhất là vừa qua lượng khách từ châu Âu đến Thái Lan nghỉ đông tránh rét rất đông.
Một điểm nữa chúng tôi muốn kiến nghị là cần có chính sách thông thoáng hơn về visa. Phí visa 25USD/khách hiện nay không quá cao, nhưng thủ tục đăng ký online khá phức tạp, gây ra nhiều phiền toái cho khách, đặc biệt là với dòng khách ngôn ngữ tiếng Anh không phổ biến nhưng đến Việt Nam khá đông (từ Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha…). Ví dụ như chỉ nhập sai tên là phải làm lại từ đầu, đồng nghĩa với việc tiếp tục phải mất thêm 25USD phí nữa, gây tâm lý ức chế với khách hàng. Hơn nữa, thời hạn visa chỉ 15 ngày, nếu sơ suất chỉ chậm 1 ngày là bị phạt, mặc dù mức phạt không cao nhưng khách nước ngoài hễ nghe “phạt” là sợ, và họ rất không thích điều này.
Điểm cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến là ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến “cửa ngõ” của một quốc gia chính là thái độ của nhân viên hải quan, xuất nhập cảnh. Một người khách khi có ấn tượng tốt về nơi họ đến, sẽ là người quảng bá rộng rãi cho bạn bè, người thân của họ, tiếc là chúng ta chưa thể tạo ấn tượng tốt với du khách từ những phút ban đầu…
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures: “Quan trọng nhất là chính sách visa phải thông thoáng hơn…”
Ngay thời điểm đầu năm 2023 lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã có những tín hiệu rất đáng mừng. Trong tháng 2 và 3/2023, số khách đoàn tăng rất đáng kể so với năm 2022.
Năm 2023, cho dù dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản nhưng tình hình du lịch quốc tế nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh, xung đột gây bất ổn nên du khách cũng rất thận trọng khi đi du lịch ra nước ngoài. Theo nhận định của chúng tôi, du khách sẽ tìm đến những điểm đến bình ổn về chính trị, an toàn. Việt Nam là một trong những đất nước đảm bảo tất cả các yếu tố đó. Chính vì vậy, Việt Nam được nhiều du khách quan tâm. Mr Linh’s Adventures đã có hơn 10 đoàn khách Âu đã lên kế hoạch đi du lịch vào quý 3/2023. Như vậy có nghĩa là khách đã có kế hoạch dài hạn, là tín hiệu cho thấy sự chú ý đến Du lịch Việt Nam của khách quốc tế.
Để thu hút du khách mạnh mẽ hơn, Du lịch Việt Nam cần xúc tiến quảng bá mạnh hơn, hiệu quả hơn. Công tác xúc tiến du lịch của chúng ta thua các nước khác rất nhiều, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, cụ thể là Thái Lan. Thực tế cho thấy, lượng du khách hỏi thông tin tại Mr Linh’s Adventures quan tâm đến Thái Lan nhiều. Điều này đặt ra yêu cầu về sự xuất hiện của Du lịch Việt Nam ở những thị trường trọng điểm phải thường xuyên hơn, tần suất dày hơn, trong đó chú trọng nhiều hơn đến đối tượng khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.
Hiện nay, ngành Du lịch đang muốn đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam. Trong khi đó, việc du khách đi ngắn ngày sẽ không có nhiều thời gian để thẩm thấu văn hóa, từ đó hiệu quả của du lịch sẽ không được như mong muốn. Ngược lại, khách lưu trú dài ngày sẽ trải nghiệm nhiều hơn, thẩm thấu nhiều hơn và thông qua họ, những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam sẽ lan tỏa rộng rãi hơn. Đây là sự kết nối tạo hiệu ứng mạnh tới những người khác, là cách marketing dài hạn mà những người làm công tác quản lý cần quan tâm, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng hơn. Nếu xem nhẹ yếu tố này mà chỉ chú trọng đến ngắn hạn, đến số lượng khách thì sự phát triển có tính chất cạnh tranh với các nước trong khu vực sẽ ngày càng khó.
Một điểm nữa trong công tác xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam là chúng ta tiếp cận thị trường sớm nhưng cách làm lại chậm, không xử lý được nhiều vấn đề trong tổ chức, dẫn tới bị động và hiệu quả không được như mong muốn. Doanh nghiệp mong muốn sớm có kế hoạch, có phương án, khi đó các doanh nghiệp chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị sản phẩm và chiến lược thị trường.
Một điểm vướng khác là “rào cản” visa. Đây là vấn đề khó. Từ trước tết âm lịch, Mr Linh’s Adventuers đã xin cấp visa cho một số thị trường khó nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xét duyệt. Chúng ta thấy, nhiều nước mở cửa theo hướng thông thoáng, thuận tiện nhưng vẫn kiểm soát một cách trật tự. Khi du khách quốc tế đi du lịch nước ngoài đều có lịch sử di chuyển. Do đó nên căn cứ vào những thông tin này để xét duyệt visa nhanh chóng, kéo du khách vào. Quan trọng nhất là làm thế nào để visa thông thoáng hơn. Như hiện nay là chặt và chậm, mà trong du lịch chậm là mất cơ hội.
Du lịch Việt Nam có nhiều thị trường rất lớn, vấn đề là làm thế nào giữ chân khách ở lâu, lúc đó cả hệ thống cung ứng mới phát triển được. Hiện nay, visa có 15 ngày quá ngắn, gây nhiều trở ngại với doanh nghiệp và du khách. Vấn đề nữa là thủ tục ở một số thị trường chưa được cấp E-visa phải có cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn.
Không chỉ ngành Du lịch mà bản thân các công ty lữ hành đều muốn đa dạng thị trường, tránh được tình trạng tập trung quá đông vào một vài thị trường trọng điểm, gây ra cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, doanh nghiệp rất mong có cơ chế, nhất là với những công ty đã có thương hiệu, đã khẳng định được uy tín trong nhiều năm liên tục về lữ hành inbound, thì việc tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp khai thác thị trường mới, có triển vọng là điều nên làm để doanh nghiệp phát huy được năng lực, đem lại những khởi sắc mới về thị trường.
Sau đại dịch COVID-19, chúng ta đã chớp thời cơ mở cửa sớm hơn một số nước nhưng lại về sau họ, do sự chậm trễ trong xúc tiến quảng bá, tự mình làm mất đi cơ hội…
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart: “Cần có chính sách kích cầu mua sắm của du khách…”
Để tăng cường thu hút và tăng chi tiêu của du khách quốc tế vào Việt Nam, bên cạnh việc thay đổi chính sách thị thực và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, thì một yếu tố hết sức quan trọng là kích cầu chi tiêu của du khách. Có thể thấy mức chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam là khá thấp, ngay đối với cả các thị trường có khả năng chi trả cao. Hai thành phần có thể khai thác chi tiêu tốt nhất trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch là vui chơi giải trí và mua sắm hiện vẫn chiếm tỷ trọng thấp, trong khi du khách có khả năng và sẵn sàng chi trả cao cho các hoạt động này. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu nhiều sản phẩm du lịch mang tính giải trí, trong khi ngành Du lịch Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều được đầu tư với rất nhiều sản phẩm giải trí bổ trợ đi kèm. Thực tế người đi du lịch hiện nay không chỉ để nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, họ còn có nhu cầu thư giãn, vui chơi giải trí, mua sắm… Chính vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án vui chơi giải trí, tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí - mua sắm để thu hút khách du. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cho các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc nhưng đồng thời mang tính giải trí cao, tạo thành một điểm nhấn văn hóa độc đáo tại điểm đến.
Có thể thấy, điểm hạn chế trong kích cầu chi tiêu của du khách đối với các mặt hàng lưu niệm du lịch của chúng ta hiện nay là hàng hóa, quà lưu niệm đặc trưng còn đơn điệu, thiếu các sản phẩm thật sự đặc sắc, mang tính biểu trưng cho vùng miền. Các cửa hàng lưu niệm, siêu thị đặc sản, khu mua sắm hiện nay quy mô nhỏ, không đủ sức chứa đoàn khách lớn và lại nằm rải rác cách xa nhau. Hàng hóa bày bán ở nhiều nơi là hàng nhái nhãn mác, chất lượng kém, giá bán khác nhau ở mỗi điểm mua sắm gây tâm lý e dè cho khách du lịch…
Sau đại dịch, các sản phẩm du lịch mang tính chất chăm sóc sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên khá thu hút du khách, do đó cần được chú trọng hơn để phát triển phù hợp với xu hướng mới.
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Liên Bang Travel: “Visa điện tử cần thông thoáng hơn…”
Bối cảnh hiện tại là nhiều thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (trước khi xảy ra dịch COVID-19) như thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở visa du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Việt Nam, thị trường Nga do xung đột Nga - Ucraina và một số bất ổn nên lượng khách đi du lịch ra nước ngoài còn ít…
Chúng tôi cho rằng, điều bất hợp lý trong đón khách quốc tế là độ mở của visa điện tử còn nhiều hạn chế. Nhiều thị trường không có khách thì mở, thị trường triển vọng thì vẫn đóng. Độ thông thoáng của visa điện tử hết sức quan trọng, bởi sự tiện lợi cho doanh nghiệp và du khách, không chỉ là đối tượng khách đi theo chương trình của đơn vị lữ hành mà còn nhiều đối tượng khách lẻ có nhu cầu đi trải nghiệm, khám phá.
Khi Việt Nam chuẩn bị đón khách, hoạt động truyền thông được triển khai khá hiệu quả đã tạo nên hiệu ứng tốt, lan tỏa thông điệp “Live fully in Vietnam” đến với du khách quốc tế. Đáng tiếc là công tác quảng bá chưa tạo thành chiến dịch mang tính tổng thể khiến cho hình ảnh Việt Nam bị trầm xuống đáng kể. Điều này khá bất lợi bởi nhiều thị trường (trong đó có những thị trường cạnh tranh với Việt Nam) không chỉ “mở” tối đa mà còn liên tục điều chỉnh các chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa khách quốc tế đến.
Các doanh nghiệp lữ hành đang rất ngóng đợi một chương trình hành động cấp quốc gia về xúc tiến quảng bá. Chúng ta phải nhắc lại hình ảnh Du lịch Việt Nam, làm mới và xuất hiện với tần suất dày hơn để du khách nhớ tới nhằm tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ…
Việt Hùng
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)
|