- Thưa ông, là một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính sách Visa đối với việc thu hút khách quốc tế với Đà Nẵng?
+ Chính sách Visa đã tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho du khách quốc tế đến thăm Đà Nẵng cũng như thăm Việt Nam. Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã tham mưu miễn một số Visa cho một số nước. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch điều này có tác động tích cực cho việc thu hút dòng khách quốc tế đến thăm Việt Nam, trong đó có TP Đà Nẵng.
Hiện nay khách quốc tế tới Đà Nẵng khá đa dạng thị trường, tập trung chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đã có miễn thị thực trong một số ngày, điều này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc quảng bá và thu hút khách đến TP Đà Nẵng và các địa phương miền Trung.
Theo thống kê của chúng tôi, sau thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản thì các thị trường khu vực ASEAN và thị trường khu vực châu Âu đều có tốc độ tăng trưởng tăng từ 10 đến 15% trong một năm, tổng số khách du lịch quốc tế tới thăm TP Đà Nẵng trong năm qua tăng trưởng đến hơn 30%. Điều đó minh chứng cho tiến trình hội nhập quốc tế của Đà Nẵng, của Việt Nam, trong đó có các chính sách hỗ trợ cho quá trình hội nhập như là chính sách Visa đã tác động vào việc tăng lượng khách quốc tế đến thăm TP Đà Nẵng.
- Thời gian qua Đà Nẵng đã đề nghị tăng thời hạn miễn visa đối với các thị trường Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý … lên 21 hoặc 30 ngày; đồng thời tiếp tục tăng thời hạn thí điểm miễn visa cho 5 nước Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha lên 5 năm… Mới đây, Thủ tướng cũng đã ra những quyết sách quan trọng liên quan tới visa, ông đánh giá như thế nào về việc này?
+ Chúng tôi nhận thấy rằng chính sách miễn Visa hay cho phép ứng dụng cấp thị thực điện tử… là những việc rất thuận lợi cho tăng trưởng khách du lịch thời gian qua. Chính vì vậy chính sách visa thuận lợi sẽ giúp tăng trưởng dòng khách. Chúng tôi mong muốn không chỉ Đà Nẵng mà việc này nằm trong cơ chế đặc thù cho du lịch ba địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam: mong muốn có chính sách Visa thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là cho dòng khách du lịch đến từ châu Âu bởi vì khách châu Âu khi đi tới khu vực Đông Nam Á không chỉ đi một vài ngày mà họ có thể đi nhiều ngày, mười mấy ngày, thậm chí cả tháng nên thời gian miễn Visa hợp lý sẽ tạo điệu kiện cho du khách lưu trú dài ngày hơn ở Việt Nam.
- Thủ tướng đã quyết định tiếp tục miễn Visa cho 5 nước châu Âu nói trên bắt đầu từ 1/7/2018 với thời hạn là 3 năm. Đây là cải cách rất mạnh mẽ. Vậy các quyết sách này sẽ giúp cho du lịch Đà Nẵng phát triển như thế nào thưa ông?
+ Thực tế chúng ta thấy rằng số lượng các nước được miễn giảm Visa tới Việt Nam thì số lượng du khách theo đó cũng tăng, khách du lịch quốc tế tăng rất mạnh. Visa cũng là một điều kiện để chúng ta đảm bảo nội dung liên quan đến vấn đề về quản lý khách. Hiện nay, môi trường an ninh trong nước của chúng ta khá đảm bảo cho cả những thị trường khách khó tính. Cho nên việc tăng cường miễn giảm Visa chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế tới thăm Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Qua phản ảnh của doanh nghiệp, những đơn vị khai thác và phục vụ du khách trực tiếp tới với chúng tôi cho thấy, các doanh nghiệp thấy được những bất cập, hạn chế của chính sách Visa hiện tại. Ví dụ như một số nước thị trường Châu Âu chúng ta đều biết họ đi du lịch rất dài, trong khi đó visa chúng ta miễn trong thời gian ngắn hơn, vậy việc lập kế hoạch cũng như lập chương trình tour của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đất nước Việt Nam rất đẹp, nên có thể 10, 15, 20 ngày cũng chưa đi hết, nếu như trong trường hợp Visa ngắn hơn số lượng ngày này và người ta muốn khám phá Việt Nam thì sẽ rất là uổng. Cho nên đề xuất của Đà Nẵng chúng tôi cũng căn cứ theo thông tin, đề nghị của các doanh nghiệp nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) khẳng định: “Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) khẳng định rằng Du lịch và Lữ hành là lực lượng phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh đa dạng và hết sức mạnh mẽ. WTTC liên tục tuyên bố rằng việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực sẽ làm tăng thêm từ 8-10% số lượt khách đến và chúng ta đã nhìn thấy điều này trong thực tế khi chính sách miễn thị thực được áp dụng cho công dân của 5 nước châu Âu và số lượng khách du lịch của các quốc gia này đã tăng lên trung bình gần 20%. Đặc biệt:
• Một ngành Du lịch và Lữ hành phát triển mạnh có thể nâng cao sự tiếp cận các thị trường quốc tế, tăng cường các mối quan hệ kinh doanh và gia tăng các cơ hội thương mại;
• Sự kết nối tăng lên cùng với Du lịch và Lữ hành có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài và tăng cường sức hấp dẫn của một khu vực với vị thế như là một nơi để đặt trụ sở chính, một trung tâm phân phối hoặc sản xuất;
• Đầu tư vào kết cấu hạ tầng công cộng và tư nhân, như xây dựng đường xá, cầu cống và năng lực vận tải hàng không mang lại nhiều lợi ích cho mọi ngành kinh tế cũng như cho các hộ gia đình;
• Du lịch và Lữ hành hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các mối liên kết liên ngành, các khoản tiền thu được và bảo tồn di sản văn hóa.
Chúng tôi cho là hoàn toàn đúng khi nói rằng Việt Nam đã có được những lợi ích nêu trên ở những mức độ nào đó, đặc biệt là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ của năm sau so với năm trước mà chúng ta đã thấy trong vòng 2 năm trở lại đây”. |
Nguồn: Toquoc.vn