TẬP ĐOÀN KHÁCH SẠN ACCOR
Accor là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh khách sạn. Ngay từ năm 1994, tập đoàn này đã đề ra vị trí Giám đốc phụ trách môi trường. Năm 1997, Accor thành lập bộ phận chuyên trách môi trường với nhiệm vụ đề ra chính sách môi trường nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu. Mục tiêu của chính sách môi trường của Accor: “đến năm 2010, áp dụng Hiến chương môi trường cho tất cả các khách sạn trong tập đoàn (hiện nay mới chỉ có 93% tổng số khách sạn áp dụng) và phấn đấu có 20% số khách sạn được cấp chứng chỉ sinh thái”. Nội dung của Hiến chương môi trường lần đầu tiên được phát triển vào năm 1998 gồm 15 hành động bảo vệ môi trường và được áp dụng chủ yếu ở các khách sạn trong tập đoàn tại châu Âu. Các hoạt động này được kiểm soát thông qua hệ thống báo cáo qua mạng nội bộ. Đến năm 2005, do nhu cầu bảo vệ môi trường, tập đoàn Accor cải thiện nội dung của Hiến chương môi trường lên thành 65 hành động (mức độ áp dụng thay đổi tùy theo nhãn hiệu). Những nội dung cụ thể trong chính sách môi trường của Accor bao gồm:
1. Thông tin và nâng cao nhận thức: thông qua hoạt động định kỳ nhằm trình bày cho nhân viên về tác động môi trường của khách sạn hoặc mời diễn giả từ bên ngoài trình bày những vấn đề cụ thể trong các nội dung của Hiến chương môi trường;
2. Quản lý năng lượng (một số nội dung áp dụng cho cả quản lý nước): gồm các biện pháp như lập mức tiêu thụ; giám sát và phân tích mức tiêu thụ hàng tháng; liệt kê các cải tiến kỹ thuật; tổ chức các biện pháp ngăn ngừa; đảm bảo việc sử dụng tối ưu các cơ sở và máy móc; lắp đặt các đèn trang trí tiết kiệm năng lượng; sử dụng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng; sử dụng các bóng đèn có độ chiếu sáng thấp trong phòng ngủ; sử dụng đèn LED cho đèn trang trí bên ngoài; sử dụng đèn LED làm tín hiệu cho tín hiệu thoát hiểm; sử dụng tủ lạnh tiết kiệm năng lượng; bọc vỏ cách nhiệt cho các ống dẫn nước nóng; sử dụng thiết bị đun nước nóng tiết kiệm điện; thu hồi năng lượng từ hệ thống thông gió chính; sử dụng điều hòa tiết kiệm năng lượng; thu hồi năng lượng từ hệ thống điều hòa không khí; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để đun nước nóng; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để làm ấm bể bơi; thúc đẩy việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
3. Quản lý nước: gồm các biện pháp như lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước trong vòi nước; lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước ở các vòi hoa sen; lắp đặt thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước; sử dụng thiết bị giặt tiết kiệm nước; khuyến khích khách sử dụng lại khăn tắm; khuyến khích khách sử dụng lại khăn trải giường; loại bỏ hệ thống tủ lạnh làm mát bằng nước; thu hồi nước mưa.
4. Quản lý nước thải: gồm các biện pháp như thu hồi và tái chế dầu ăn qua sử dụng; phân loại và thu hồi thức ăn vụn; xử lý nước thải.
5. Quản lý chất thải: gồm các biện pháp như tái xử lý bao gói bằng giấy và bìa các tông; tái chế giấy, giấy báo và tạp chí; hạn chế việc sử dụng các bao bì không phân hủy được; tái chế chai lọ thủy tinh; tái chế bao đựng bằng nhựa; tái chế các hộp đựng kim loại; thực hiện phân loại chất thải trong phòng ngủ của khách; hạn chế việc sử dụng bọc các sản phẩm vệ sinh trong phòng ngủ; tái chế các chất thải hữu cơ từ nhà hàng; tái chế chất thải xanh trong vườn; thải pin của khách sạn một cách an toàn; thải pin của khách một cách an toàn; tái chế thiết bị điện và điện tử; tái chế hộp mực; thải các bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn ống một cách an toàn.
6. Các biện pháp bảo vệ tầng ozone: gồm các biện pháp như loại bỏ các thiết bị chứa CFC; kiểm tra các thiết bị chứa CFC, HCFC hoặc HFC không rò rỉ.
7. Đảm bảo tính đa dạng sinh học: gồm các biện pháp như giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu; giảm thuốc diệt cỏ; giảm việc sử dụng thuốc diệt nấm mốc; sử dụng phân hữu cơ; tưới cây một cách hợp lý; trồng các cây thích nghi với địa phương; trồng ít nhất mỗi cây một năm; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương.
8. Mua sắm xanh: bao gồm các biện pháp như sử dụng giấy sinh học; sử dụng các sản phẩm có nhãn sinh thái; hỗ trợ những sản phẩm hữu cơ.
9. Cấp chứng chỉ: việc nhận chứng chỉ ISO 14001 là hoạt động ở cấp độ cao hơn so với các biện pháp thực hiện ở trên nhằm thể hiện rõ cam kết môi trường trên toàn cầu của tập đoàn cũng như thực hiện Hiến chương môi trường. Hiện tập đoàn Accor đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 để thể hiện tầm quan trọng trong tiếp cận tổng thể môi trường. Cách tiếp cận này đảm bảo lợi ích dài hạn phù hợp với quy định và quá trình cải tiến liên tục trong hoạt động bảo vệ môi trường của khách sạn.
Thông qua việc xem xét chính sách môi trường của tập đoàn Accor, các khách sạn của Việt Nam có thể tiếp thu những yếu tố cơ bản trong chính sách môi trường, quan điểm tiếp cận và một số các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường./.
LÊ ANH