Thiên tai gia tăng
“Trước đây vùng này không hề có bão nhưng năm 2007 đã có bão...”. Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm mặn đã tăng lên khoảng 20% so với trước đó 10 năm. Tại Thừa Thiên - Huế, thay đổi khí hậu còn đậm nét hơn, cường độ mưa tăng rõ rệt. Từ năm 1952 đến 2005 đã có 32 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và lũ lụt thường xuyên hơn nửa đầu thế kỷ trước. Không những thế, mực nước biển và đỉnh lũ lần sau luôn cao hơn lần trước. Chỉ riêng năm 1999, mực nước biển tháng 11 đã lên đến mức cao nhất so với trước đây.
Trong 20 năm qua mực nước biển đã dâng cao thêm 6cm, các cơn bão mạnh hơn và đổ bộ nhiều hơn vào các tỉnh phía Nam, cường độ mưa thay đổi (mạnh hơn và lượng nước lớn hơn), các chu kỳ hạn hán nóng hơn và kéo dài hơn (một số vùng của Nam bộ mấy năm qua không hề có trận mưa nào).
“Thay đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua hiện tượng bão lụt xảy ra liên tiếp tại khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam những năm gần đây” - ông Christophe Bahuet, Phó đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, khẳng định.
Giai đoạn 1997/1998 hiện tượng El Nino xảy ra đã gây hạn hán và thiếu nước trầm trọng ở nhiều nơi. Đồng bằng sông Cửu Long bị nước mặn lấn vào từ biển. Mực nước ở các đập thủy điện Hòa Bình, Trị An, Thác Bà đã xuống đến mức báo động. Ước tính thiệt hại kinh tế vào khoảng 5000 tỷ đồng Việt Nam. Trong những năm El Nino, cường độ giông bão mạnh hơn, như ở miền Nam Việt Nam cơn bão lớn Linda đã xảy ra nhanh chóng và bất ngờ gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và kinh tế. Ước lượng thiệt hại toàn cầu do ô nhiễm bụi và cháy rừng là 9 tỷ USD từ nông nghiệp, y tế, du lịch và vận chuyển giao thông.
Đây là những điểm bất lợi cho những hoạt động du lịch, nhiều chương trình phải thay đổi lịch trình hoặc hoãn, hủy tour khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt là khi các phương tiện giao thông như tàu hỏa, máy bay, ô tô không hoạt động được khiến nhiều du khách bị kẹt tại các điểm xảy ra thiên tai nhất là vùng duyên hải miền Trung điều kiện hạ tầng chưa được tốt. Hoạt động du lịch tàu biển cũng bị ảnh hưởng nhiều với việc tàu không cập bến được đúng theo lịch trình, cảng biển bị hư hại không đáp ứng điều kiện nên nhiều tàu phải chuyển hướng đi nơi khác, gây thất thu cho ngành Du lịch Việt Nam.
Những cảnh báo đáng lo ngại
Báo cáo phát triển con người 2007/2008 của ông Christophe Bahuet cảnh báo rằng, nếu nhiệt độ tăng lên từ 30C - 40C, các quốc đảo nhỏ và các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi mực nước biển dâng lên khoảng 01m, Việt Nam sẽ có khoảng 22 triệu người bị mất nhà cửa; vùng trũng Ai Cập có khoảng 6 triệu người mất nhà cửa và 4.500km2 đất ngập lụt; ở Bangladesh có khoảng 18% diện tích đất ngập úng, tác động tới 11% dân số... Không chỉ những nước đang phát triển ảnh hưởng mà những nước đã phát triển cũng không tránh khỏi thảm họa biến đổi khí hậu. Trước mắt, băng tan sẽ đe dọa hơn 40% dân số toàn thế giới. Mặt khác, biến đổi khí hậu sẽ làm cho năng suất nông nghiệp giảm, thời tiết cực đoan tăng, thiếu nước ngọt trầm trọng trên toàn thế giới, hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật gia tăng... Những nước như Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập... sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nguy cơ bão lụt, thiên tai sẽ làm cho những nước này rất khó khăn để phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo.
Dự báo đến năm 2070 nhiệt độ ở miền Bắc Việt Nam sẽ tăng 2-40C, ở miền Nam sẽ tăng 2-30C.
Dự báo đến năm 2050 mức nước biển Việt Nam sẽ dâng thêm 33cm và đến năm 2070 sẽ tăng thêm 50cm so với hiện tại. Đây là nguy cơ rất lớn đối với các tỉnh ven biển của Việt Nam. Do vậy cần thiết phải có các quy hoạch chiến lược và các biện pháp đối phó ngay từ bây giờ như: cải thiện công tác chống lũ lụt, tổ chức lại hệ thống cấp nước cho các khu dân cư ven biển, đặc biệt là các khu du lịch biển.
Những cảnh báo đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tất cả chúng ta. Đặc biệt lương thực sẽ trở nên khan hiếm hơn. Với ngành Du lịch, do chi phí cho cuộc sống gia tăng, rủi ro khi đi du lịch tăng lên sẽ làm giảm đi nhu cầu du lịch, hạn chế rất nhiều cho sự phát triển du lịch.
ẢNH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐẾN SỰ THAY ĐỔI KHÍ HẬU
Hoạt động du lịch của Hà Nội và Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ tính từ năm 2000 – 2007 lượng khách du lịch đã tăng gấp 2 lần, trong đó lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng gấp 2,6 lần và đến Việt Nam tăng gấp 2 lần. Các cơ sở phục vụ khách du lịch cũng gia tăng để đáp ứng nhu cầu của khách. Thành phố hiện có hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa tổ chức chương trình du lịch trong toàn quốc và tới nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới, hơn 500 cơ sở lưu trú với khoảng 14000 phòng được xếp hạng từ tiêu chuẩn tối thiểu đến 1-5 sao; hơn 1000 xe ô tô chở khách các loại từ 4-45 chỗ, hàng ngàn nhà hàng phục vụ món ăn các vùng miền và hàng trăm cơ sở dịch vụ khác như matxa, vũ trường, quán bar, cửa hàng lưu niệm…
Cùng với sự phát triển, hoạt động du lịch cũng gây ra việc tiêu thụ tài nguyên và có những tác động ngược lại với khí hậu thông qua các yếu tố sau :
- Gia tăng lượng phát thải khí nhà kính do gia tăng việc sử dụng các phương tiện giao thông, vận chuyển tiêu thụ xăng dầu, gia tăng sử dụng các thiết bị làm lạnh (tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ…). Để khắc phục tình trạng này cần nghiên cứu và thay thế dần bằng các thiết bị thân thiện với môi trường.
- Gia tăng rác thải rắn, nước thải không được xử lý đầy đủ gây ô nhiễm môi trường. Đây là yếu tố chưa được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm. Hà Nội hiện đang tăng cường kiểm soát nhằm giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường Thành phố.
- Gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thông qua sự gia tăng tiêu thụ điện, nước và các sản vật thiên nhiên khai thác từ rừng, biển mà chưa có hoạt động tích cực nhằm phục hồi, cân bằng sinh thái. Việc cần thiết là nghiên cứu tìm ra và đẩy mạnh sử dụng những năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, gió…
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu UNFCCC tháng 11/1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto tháng 9/2002. Ban tư vấn – Chỉ đạo quốc gia về cơ chế phát triển sạch cũng đã được thành lập tháng 4/2003 với sự tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan.
TP. Hà Nội đã tham gia Nhóm lãnh đạo về vấn đề khí hậu của 40 thành phố lớn (C40) từ năm 2007.
Ngành Du lịch Hà Nội đang bắt đầu triển khai điều tra nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên trong các đơn vị kinh doanh du lịch, tập trung vào các hoạt động: tiết kiệm tiêu thụ điện - nước, xử lý nước thải, phân loại và xử lý rác thải, sử dụng thiết bị và công nghệ sạch, tuyên truyền nâng cao ý thức đối với giữ gìn môi trường chung, hướng đến phát triển bền vững của người phục vụ cũng như du khách đến Hà Nội.
Biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi, sẽ ảnh hưởng và đe dọa sự sống của cả hành tinh chúng ta, đòi hỏi có những hành động cụ thể và ứng phó với những hậu quả không tránh khỏi để đảm bảo phát triển bền vững.
Trên góc độ du lịch, mỗi quốc gia, mỗi thành phố, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, kiểm soát và hợp tác nhằm hướng đến các hoạt động phát triển du lịch bền vững, dự báo trước những yếu tố khí hậu và giảm thiểu tác động đẩy nhanh tiến độ biến đổi khí hậu do phát triển nhanh, phát triển nóng mang lại.
Ths. NGUYỄN THANH BÌNH