![](/FileManager/mypicture/Son-Ba-Muoi.jpg)
|
Những thửa ruộng trên đỉnh Cao Sơn Bá |
Khi biết chúng tôi quyết định chọn cách vượt hơn 10 km đường rừng từ Làng Cả (xã Lũng Cao) vắt qua núi vào Son, Bá, Mười, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cổ Lũng - Lục Hùng Vương ái ngại dặn dò: “Cẩn thận nhé! Sức các cậu phải đi mất 5 – 6 tiếng đồng hồ. Nhớ mang theo nhiều áo ấm, trên đó lạnh ghê gớm”. Con đường mòn qua núi ngoằn ngoèo, rồi chợt mỏng tang như sợi chỉ len lỏi, dốc ngược trong mây mù, mang trên mình bao huyền thoại của những cảnh đời bám núi, mưu sinh.
Bản làng “ba không” nơi đỉnh Cao Sơn
Đường vào bản thực ra chỉ là lối mòn chênh vênh uốn lượn theo sườn núi nham nhở đá tai mèo. Một bên vách đá, một bên là vực thẳm, nhiều đoạn dốc đứng, phải bám dây rừng mà leo, ngựa thồ cũng khó mà qua được. Mất hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến đỉnh Phà Hé, “nóc nhà” của huyện Bá Thước. Một cảm giác chóng mặt khi nhìn xuống bờ vực thẳng đứng, nhà cửa chỉ còn là những chấm nhỏ ẩn trong màn sương mờ như phủ khói. Trời tối dần, mưa bất chợt đổ xuống, gió quất lạnh thấu xương. Chiều muộn nơi đây thường phải đón những cơn mưa như thế. Thêm chừng ấy thời gian, lầm lũi xuyên rừng trong màn sương mù, chúng tôi đặt chân đến bản Son, rải rác gồm chừng năm chục nóc nhà sàn dọc chân núi. Già bản Hà Hồng Nhi, người uy tín nhất Son Bá Mười vỗ vai tôi cười sang sảng: “Giỏi, nhà báo xuyên đỉnh Phà Hé là giỏi thực. Người miền xuôi chẳng mấy ai đặt chân lên đây được như thế đâu”. Đêm ấy, câu chuyện bên bếp lửa bập bùng và men rượu ngô lâng lâng cứ kéo dài tưởng chừng không dứt...
Vốn là địa danh hẻo lánh và khó khăn nhất của 4 vùng “đặc khu” Bá Thước bao gồm Bốn - Kịt, Thành Công, Cài Hoong. Nơi đây gồm 3 bản Son, Mười và Bá được gọi chung là khu Cao Sơn (thuộc xã Lũng Cao), tồn tại cách đây chừng 300 năm, nằm trọn trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Phía Bắc án ngữ đỉnh Pha Chiến là ranh giới tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp rừng quốc gia Cúc Phương. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây khí hậu trong mát quanh năm, nhiệt độ chỉ 18 – 22 độ. Mùa đông rất lạnh, thường có sương muối, có năm nước đóng băng trắng xóa ngoài đồng, bếp lửa được đốt suốt ngày đêm để chống lại cái lạnh ghê người. Son Bá Mười rất thích hợp để trồng các loại cây thuốc dược liệu, nổi tiếng với nhiều loại rau cải bắp, su su, măng đắng, mật ong... ngon lạ thường, trở thành mặt hàng bán rất chạy vào mỗi phiên chợ Nam Sơn, Lũng Vân (Hòa Bình) hay dưới Phố Đoàn - Cổ Lũng.
Son, Bá, Mười gồm 150 hộ với 750 nhân khẩu nằm kéo dài trên diện tích tự nhiên chỉ hơn 900 ha, trong đó 500 ha thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, số còn lại là khu dân cư và rất ít đất canh tác. Từ bản Son đi bản Bá mất chừng 3 tiếng đồng hồ cuốc bộ, bản Mười nằm giữa chỉ với 30 nóc nhà lẻ loi giữa những sườn đồi. Anh Ngân Văn Thiện, phó thôn Mười là người giữ chức danh công an viên lâu đời nhất của xã Lũng Cao, nắm tay tôi bằng giọng lơ lớ tiếng Thái: “Mảnh đất khắc nghiệt này đáng gọi là bản “ba không” lắm chứ. Này nhé, không điện, không đường, không chợ búa, có lẽ phải bổ sung một “không” thứ tư là không hề có xe máy, phương tiện đi lại duy nhất là những đôi chân trèo núi. Sống giữa núi rừng hẻo lánh nhưng lại thiếu đất canh tác, đành bám núi để sống vậy thôi”.
Mảnh đất tiềm năng còn ngủ yên
Son, Bá, Mười vốn có khí hậu đặc thù mát lạnh quanh năm, rất thuận lợi phát triển du lịch sinh thái. Mỗi tháng, dân bản vẫn đón chừng 40 – 50 khách du lịch nước ngoài đi theo “tour mạo hiểm” từ Thanh Hóa sang Hòa Bình, trọ qua đêm trên nhà sàn với giá 50.000 đồng. Nơi đây đã từng xây dựng dự án phát triển cây dược liệu rộng 2 ha tại bản Son trồng xuyên khung, đỗ trọng, đương quy, thanh hao hoa vàng... khá tốt. Nhưng sản phẩm làm ra không có đường vận chuyển, tiêu thụ. Tính theo năng suất không bằng trồng ngô vì thế người dân quay lưng với dự án. Khí hậu lạnh tạo điều kiện cho luồng, vầu phát triển nhanh. Các loại rau quả đều cho chất lượng và năng suất cao. Đặc biệt nhất là su su, mỗi cây cho thu hoạch tới 5 tạ quả một vụ không phải là hiếm. “Nhưng không ai mua, có gùi đến chợ phiên bán cũng rẻ như bèo” – anh Vi Văn Nhất trưởng thôn Mười than phiền.
Nhiều dự án đưa điện lưới quốc gia về bản được đưa ra bàn bạc, nhưng cuối cùng vẫn chỉ ấp ủ trên... giấy. Chín gia đình bản Bá tự bán trâu bò, sắm dây, kéo nhờ điện từ bên Hòa Bình qua núi, được xem là “văn minh” nhất vùng. Máy phát điện tua-bin nước mini trở thành giải pháp trong sinh hoạt. Vài gia đình chung nhau một máy phát, đặt nơi đầu suối. Nhưng cũng chỉ xem được tivi trắng đen, màn hình hết co lại giãn vì điện yếu. Cả ba bản chưa hề có một chiếc xe máy nào, đơn giản vì làm gì có đường để đi. Năm ngoái, anh Ngân Đức Thuận, y tá bản Mười thuê người khênh xe máy vào, rốt cục chỉ để treo lên cho mấy đứa trẻ trong bản chưa bao giờ bước chân khỏi Son Bá lại sờ ngắm. Bản nào cũng có vài chiếc xe đạp, nhưng thời gian vác trên vai qua núi xuống phố huyện nhiều hơn thời gian được đạp xe. Phương tiện ngựa thồ xem ra hữu dụng, tiếc rằng mới chỉ nuôi được dăm bảy con ngựa còi, tất cả vẫn dựa vào sức người là chính.
Trạm y tế đặt tại thôn Mười còn khá tuềnh toàng, thiếu đủ thứ dụng cụ, thuốc men, chỉ xử lý được những ca sơ cứu, cảm xoàng. Đã từng có trường hợp bệnh nhân chết giữa rừng trên đường chuyển đi cấp cứu tuyến huyện.
Đánh thức Cao Sơn
Một niềm vui lớn cho toàn bộ cư dân Cao Sơn, dự án đường lên Son, Bá, Mười xuất phát từ huyện lỵ Bá Thước dài 35 km đã được triển khai, với tổng kinh phí trên 130 tỷ đồng. Ngày 20/12/2007, lễ động thổ khởi công được tổ chức tại trung tâm xã Cổ Lũng trong niềm hân hoan của người dân 6 xã Quốc Thành. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2010. Đây thực sự là con đường xóa đói, giảm nghèo, mở rộng giao thương từ Bá Thước đến Hòa Bình. Mảnh đất Son, Bá, Mười đầy tiềm năng nhưng cũng đầy khó khăn sẽ được đánh thức.
Đường giao thông đó là khát khao chung của tất cả những người dân nơi đây từ bao năm nay. Khó khăn không dập tắt trong họ một niềm tin mãnh liệt về cuộc sống đổi thay khi con đường nối 6 xã Quốc Thành giao thương với Tân Lạc (Hòa Bình) trở thành hiện thực. Học sinh nơi đây sẽ không còn phải nhọc nhằn xin học mãi tận Hòa Bình, những cô gái Thái sẽ không còn phải lầm lụi gùi măng bằng đầu, xuyên rừng, xuống chợ. Đêm dài đại ngàn Son Bá sẽ tan đi màn sương huyền thoại, hoang vu. Đói nghèo sẽ rời xa non ngàn Son Bá
Bài và ảnh: HOÀNG THẮNG