Theo TS. Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, hoàn toàn có thể bứt phá trở thành một trung tâm du lịch của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại, du lịch trong nước và toàn cầu vừa trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do tác động lớn của đại dịch COVID-19 khiến việc phát triển du lịch đã gặp phải những khó khăn nhất định. Để phục hồi và phát triển du lịch một cách hiệu quả, các bên liên quan trong hoạt động du lịch, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cần có những hướng đi mới phù hợp, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch trên cơ sở nguồn lực hữu hạn sau đại dịch.
TS. Dương Thị Thanh Xuân cho rằng, việc khai thác tài nguyên phục hồi, phát triển du lịch theo cách truyền thống sẽ khó tạo nên sự bứt phá, làm thay đổi vị trí của Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có thể nắm bắt, chọn lựa hướng đi mới, khác biệt với tư duy cạnh tranh sẽ tận dụng được cơ hội phát triển. Hội thảo Chiến lược “Đại dương xanh” trong phát triển du lịch nhằm làm rõ hơn nội dung những hướng đi mới trong phát triển du lịch. Từ đó, đưa ra những kiến nghị phù hợp trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch, rộng hơn là quá trình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Hội thảo diễn ra với 2 phần. Phần 1 tập trung vào một vài khía cạnh lý thuyết. Theo PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn: Chiến lược “Đại dương xanh” nhấn mạnh vào tái tạo và đổi mới giá trị hơn là đổi mới công nghệ hoặc phát triển công nghệ đột phá; sử dụng sự đổi mới để mở rộng giá trị khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và thị trường tương lai thông qua các phương pháp đổi mới. Đặc biệt đối với ngành Du lịch, khách hàng thường có nhu cầu ở mức độ cao hơn, thiên về nhu cầu tâm lý xã hội. Do đó, chỉ có thể bằng cách chuyển đổi thị trường thì hình ảnh thương hiệu không thể thay thế và lợi ích thực chất của du lịch sinh thái mới được định hình. Chỉ khi đó, một không gian thị trường mới có thể được tạo ra bằng cách vượt qua tình hình hiện tại và tập trung vào giá trị khách hàng.
Phần 2 tập trung vào ứng dụng lý thuyết “Đại dương xanh” trong phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay. Đáng chú ý phần này là tham luận “Chiến lược “Đại dương xanh” trong phát triển Du lịch hang động ở Quảng Bình” của TS. Trần Xuân Quang - Chánh Văn phòng Sở Du lịch Quảng Bình và tham luận “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030” của Ths. Trần Văn Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Sơn La. Chia sẻ tại tham luận, TS. Trần Xuân Quang cho biết, Quảng Bình đã tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình một số tuyến điểm du lịch hang động phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả khai thác, giảm áp lực lên môi trường. Trong đó, tuyến chinh phục Sơn Đoòng theo lộ trình mới đã rút ngắn từ 6 ngày xuống còn 4 ngày. Tuyến mới đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn cũng như phương án đảm bảo an toàn cho du khách khi thời tiết xấu xảy ra; đồng thời, tăng số lượng khách tham quan, tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tác động đến nền hang động do quá trình tham quan không lặp lại lộ trình…
Trong khi đó, theo Ths. Trần Văn Việt, Chiến lược phát triển du lịch Sơn La thời kỳ 2021-2030 sẽ tập trung phát triển du lịch Sơn La trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh 5 loại hình du lịch đã hình thành từ giai đoạn 2011-2020 với 5 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch sinh thái, nông nghiệp; Du lịch văn hóa, lịch sử; Du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; Du lịch chuyên đề, với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch Sơn La trở thành một ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe ý kiến tham luận của các chuyên gia quản lý, lãnh đạo các khoa Du lịch, Quản trị, Kinh tế từ nhiều trường đại học trong cả nước.
Thanh Minh