Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thay đổi lớn, đem đến thách thức cũng như cơ hội phát triển cho tất cả các ngành nghề, trong đó có du lịch. Du lịch Việt Nam xác định ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng phát triển tất yếu, cần được đẩy mạnh nhằm tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Tại Việt Nam, những nỗ lực, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đã và đang được chú trọng bởi hầu hết các chủ thể thuộc cả khối công và tư. Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ; với nhiều điểm tương đồng trong chính sách phát triển trọng tâm vào công nghệ thông tin, ngành Du lịch Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ bài học thành công của Nhật Bản.
Tại hội thảo, các diễn giả Koji Tsurumoto (chuyên gia về marketing du lịch), Kento Hayashi (chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong ngành du lịch – dịch vụ), Ngô Minh Đức (sáng lập trang du lịch trực tuyến Gotadi) đã mang đến những thông tin hữu ích về ứng dụng công nghệ tại thị trường du lịch – dịch vụ ở Việt Nam.
Ông Ngô Minh Đức cho rằng, thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam rất lớn và tiềm năng với 90% người dưới 30 tuổi sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ người dùng điện thoại để tìm kiếm thông tin về khách sạn và chuyến bay lần lượt là 48% và 37%... Dịch vụ du lịch trực tuyến ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài; với điều kiện phải là những sản phẩm tốt, kỹ thuật hoàn chỉnh, tinh thần người Việt sử dụng hàng Việt và cả sự hỗ trợ của Chính phủ.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Koji Tsurumoto, Giám đốc điều hành công ty Marketing Voice cho biết: tương lai của ngành Du lịch sẽ rất khác, với sự ứng dụng của rất nhiều công nghệ hiện đại vào ngành du lịch dịch vụ, và các quốc gia đều phải chuẩn bị cho điều này. Riêng về marketing, thông qua công nghệ những nhà cung cấp dịch vụ sẽ có thể nắm bắt được đặc điểm, thị hiếu, xu hướng của khách hàng mục tiêu; từ đó tiếp cận và giới thiệu được sản phẩm và điểm đến phù hợp. Lấy ví dụ năm 2016, chỉ có 18,6% phòng khách sạn tại Nhật Bản được đặt qua điện thoại thông minh, thì năm 2017 đã tăng lên 25,2%; cùng với đó tất cả những dịch vụ như land tour, nhà hàng, vé máy bay, vé sự kiện… đều được đặt nhiều hơn thông qua điện thoại thông minh. Bài học rút ra là những công ty Nhật Bản nắm rất rõ những con số thông kê này, từ đó phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra những chiến lược marketing chuẩn xác.
HN