Khu DLQG Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ranh giới được xác định như sau: phía Đông Bắc lấy theo ranh giới Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc huyện Năm Căn, phía Đông giáp tuyến đường huyện 73, phía Tây giáp vịnh Thái Lan và phía Nam giáp biển Đông.
Khu DLQG Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100ha, trong đó khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha và được giới hạn: từ phía Nam trục quốc lộ 1 (đường Hồ Chí minh) ra biển Đông với chiều rộng trung bình 1,4km và kéo dài từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến hết khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau với chiều dài khoảng 15km.
Quy hoạch Khu DLQG Mũi Cà Mau xác lập những căn cứ để từ đó thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Thu hút đầu tư được xác định là một trong những động lực thúc đẩy Du lịch Cà Mau phát triển, với quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Khu DLQG Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cà Mau và từng bước trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của vùng. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư gồm phát triển kết cấu hạ tầng khung, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực…
Để tạo điều kiện kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Mũi Cà Mau, quy hoạch đã xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế ưu đãi về tín dụng, ưu tiên cho thuê môi trường rừng… đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh du lịch sinh thái, phát triển làng nghề; giảm thuế và ưu đãi về tài chính đối với những dự án phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, kè chắn sóng…
Khu du lịch Mũi Cà Mau được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia đã định hình sản phẩm du lịch của Đất Mũi, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, đảm bảo xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, đồng bộ và có khả năng kết nối với các điểm đến khác của cả nước và quốc tế. Cụ thể, các sản phẩm du lịch của Khu DLQG Mũi Cà Mau được chia thành 3 nhóm:
Sản phẩm đặc thù với du lịch trải nghiệm điểm cực Nam của Tổ quốc: tham quan, ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển; tìm hiểu tàu không số trên biển, trải nghiệm chạy vỏ lãi trên bùn tại khu vực bãi bồi, du thuyền cao cấp trên vịnh Thái Lan; khám phá hành trình xanh trên cơ sở khai thác tuyến hành lang xanh gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn; tham quan, trải nghiệm sinh thái đặc thù cồn Ông Trang.
Sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch gắn với thiên nhiên: du lịch sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với hoạt động trải nghiệm sinh thái, du lịch giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học; du lịch trải nghiệm đời sống sông nước của cư dân bản địa (du lịch cộng đồng tham quan làng nghề, cảnh quan công trình nhà ở, đời sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân Đất Mũi); du lịch biển, đảo khai thác giá trị của cụm đảo Hòn Khoai và biển Khai Long với hoạt động tham quan sinh thái, dã ngoại, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng biển cao cấp và du lịch thể thao biển; du lịch văn hóa lịch sử (tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng).
Sản phẩm du lịch bổ trợ: du lịch MICE gắn với các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao; du lịch văn hóa tâm lịch gắn với đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của cư dân vùng Đất Mũi; du lịch gắn với mua sắm đặc sản, hàng lưu niệm…
Quy hoạch tổng thể Khu DLQG Mũi Cà Mau đặt ra những nền tảng để phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, từ đó góp phần quan trọng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, mở rộng thị trường liên kết tour tuyến với các điểm đến khác. Quy hoạch đề xuất khai thác các chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo đến Cà Mau; xây dựng bến tàu khách tại Trung tâm Khu DLQG Mũi Cà Mau, mở tuyến du lịch đường thủy kết nối cụm đảo Hòn Khoai với Côn Đảo, Phú Quốc; xây dựng bản đồ du lịch giao thông đường thủy kết nối các khu, điểm du lịch trong khu, thiết lập mạng Internet không dây tốc độ cao miễn phí.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể Khu DLQG Mũi Cà Mau được phê duyệt giải quyết bài toán về nguồn nhân lực du lịch tại địa phương. Các giải pháp được đưa ra gồm chuyển đổi mô hình nghề nghiệp đối với các hộ dân trong khu sang kinh doanh du lịch, đào tạo kỹ năng cho người dân; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch; tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo du lịch ở vùng ĐBSCL...
Quy hoạch tổng thể Khu DLQG Mũi Cà Mau xác định tầm quan trọng của công tác liên kết vùng, xây dựng các tour liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; tăng cường hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL, liên kết phát triển tuyến hành lang ven biểm phía Nam với các nước Thái Lan và Campuchia. Cùng với đó, xây dựng các tuyến du lịch quốc tế gồm tuyến quốc lộ 1 và hành lang ven biển phía Nam kết nối Khu DLQG Mũi Cà Mau với thành phố Cà Mau, Hà Tiên, Sihannoukville (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); theo tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường Xuyên Á kết nối Khu DLQG Mũi Cà Mau với thành phố Cà Mau, thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Phnompenh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); theo tuyến đường sông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang đi Phnompenh, Siem Riep (Campuchia); mở mới và nâng cấp các tuyến du lịch liên tỉnh (đặc biệt là kết nối với Côn Đảo, Phú Quốc), các tuyến du lịch nội bộ trong khu.
Bên cạnh những cơ hội, việc trở thành khu du lịch quốc gia đặt ra cho Khu du lịch Mũi Cà Mau nhiều thách thức như giải quyết sinh kế cho cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng… /.
Thy Diệu
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018