Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ngành Du lịch Hòa Bình nói chung, hoạt động du lịch tại KDL hồ Hòa Bình nói riêng phát triển tốt, các cơ sở lưu trú, nhà hàng và các dịch vụ bổ sung mang lại nguồn thu ngân sách ổn định, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động cũng như nâng cao đời sống vật chất cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch.
Theo số liệu thống kê của ngành Du lịch Hòa Bình, trong giai đoạn 2016 - 2022, số lượng cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực hồ Hòa Bình nói riêng có tốc độ gia tăng đều. Mặc dù số lượng cơ sở lưu trú không nhiều, song sự gia tăng cho thấy tiềm năng phát triển của ngành Du lịch tỉnh. Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 gây tổn nặng nề cho toàn ngành nhưng Du lịch Hòa Bình vẫn có sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp. Năm 2020, doanh thu của Du lịch Hòa Bình giảm gần 10% so với năm 2019, trong đó doanh thu du lịch tại KDL hồ Hòa Bình giảm 36%. Như vậy, mặc dù lượng khách tăng song mức chi trung bình của du khách tại Hòa Bình và KDL hồ Hòa Bình đã giảm rõ rệt do tác động của đại dịch.
Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 được ban hành năm 2016. Đến nay, KDL hồ Hòa Bình chưa được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư cũng như nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Quy hoạch đã hoạch định về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch gồm các nội dung: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ đào tạo người dân chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động du lịch; triển khai các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong du lịch…
Số liệu thống kê về lượng lao động du lịch trực tiếp của tỉnh và khu vực hồ Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, số lượng nhân lực du lịch có sự gia tăng bình ổn song chưa nhiều. Tại KDL hồ Hòa Bình năm 2020 có sự sụt giảm nhẹ về lượng lao động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên thực tế trong năm 2019, Hòa Bình đã tổ chức các chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch, thêu, dệt thổ cẩm, kỹ thuật nấu ăn cho các hộ kinh doanh du lịch theo mô hình homestay cho 863 người, trong đó có 357 học viên trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại KDL hồ Hòa Bình đã tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch tại điểm cho 59 học viên; 01 lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế cho 21 học viên; 01 lớp kỹ năng quản lý, xây dựng và quảng bá thương hiệu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cho 60 học viên.
Các cơ sở đào tạo tại Hòa Bình đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Du lịch tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn có 3 đơn vị đào tạo du lịch gồm Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.
Mặc dù nguồn nhân lực du lịch Hòa Bình nói chung, KDL hồ Hòa Bình nói riêng còn khiêm tốn về cả số lượng và chất lượng, song với các chính sách đầu tư, định hướng phát triển của các cơ quan quản lý, nhân lực du lịch tại Hòa Bình đã, đang và ngày càng được nâng cao về trình độ cũng như số lượng. KDL hồ Hòa Bình với các tiềm năng lớn về tự nhiên, văn hóa nếu được khai thác hợp lý, bắt đúng xu hướng và nhu cầu của du khách sẽ tạo ra “cú hích” góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Hòa Bình phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Để hoạt động du lịch tại KDL hồ Hòa Bình theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa ba khía cạnh: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cho người dân địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Hòa Bình cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo thực tế cho người làm du lịch nhằm không chỉ cải thiện về mặt nghiệp vụ thực hành nghề mà còn nâng cao, thay đổi tư duy làm du lịch cho người lao động, đặc biệt là cho các doanh nghiệp du lịch tại khu vực hồ Hòa Bình. Đồng thời, cử người tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao tại các cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước; thuê các chuyên gia đào tạo cho các nhân sự lãnh đạo, quản lý KDL hồ Hòa Bình nhằm nâng cao chất lượng lao động du lịch.
Tại khu vực hồ Hòa Bình, các sản phẩm du lịch cần được thiết k��, xây dựng theo hướng đa dạng hóa và bền vững, tạo cơ hội cho người lao động có thể phát triển và gắn bó lâu dài với ngành Du lịch. Qua đó góp phần tạo sinh kế cho người dân quanh khu vực hồ, đặc biệt là nhóm người trẻ, để họ có thể sống dựa vào du lịch và gắn bó với địa phương thay vì phải xa quê hương, tìm kiếm công việc tại các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết bài toán tổng thể về sinh kế vào các thời điểm du lịch chịu tác động bởi tính mùa vụ, chẳng hạn triển khai các hoạt động canh tác nông nghiệp… để duy trì nguồn thu kinh tế đều đặn cho người lao động trong phạm vi KDL hồ Hòa Bình.
Công tác quảng bá, truyền thông du lịch cũng cần được tăng cường để thu hút lượng lớn du khách đến với KDL Hồ Hòa Bình, tạo điều kiện cho nhân lực du lịch có nhiều cơ hội thực hành nghiệp vụ phục vụ du khách, nâng cao tay nghề và chất lượng cuộc sống...
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình (2020), Báo cáo Kết quả chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển du lịch năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
2. Nguyễn Tiệp (2005), Giáo trình nguồn nhân Lực, NXB Lao Động Xã Hội.
3. Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2019), Giáo Trình Kinh Tế Nguồn Nhân Lực, NXB Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.
4. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2030…
PGS.TS. Lê Văn Tấn
TS. Lê Đình Tân
ThS. Phạm Đức Thịnh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)