Du lịch thích ứng an toàn với đại dịch
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh. Trong đó, đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ tháng 4/2021) là đợt bùng phát kéo dài nhất, có quy mô lớn nhất, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ tháng 7/2021, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Thành công của chiến dịch đã tạo tiền đề để Việt Nam chuyển dịch sang giai đoạn bình thường mới. Ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã được ban hành, đánh dấu việc Việt Nam chuyển hướng tiếp cận đại dịch, từ “Zero COVID-19” (không COVID-19) sang “thích ứng an toàn với COVID-19”. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch đã thực hiện thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh từ tháng 11/2021, tiến tới mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.
Tuy nhiên, quá trình hồi phục chỉ có thể đạt hiệu quả với điều kiện an toàn cho du khách được đảm bảo. Bởi thế, việc phân tích, đánh giá khả năng phản ứng với đại dịch và giữ an toàn cho khách du lịch trong suốt 2 năm chống dịch vừa qua là hết sức cần thiết. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tiến tới việc xây dựng một khung chính sách cụ thể và sau đó là thực hiện hiệu quả công tác bảo an toàn cho khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh hay những cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra trong tương lai.
Trên cơ sở những chính sách được ban hành và khảo sát thực tế ở một số khu, điểm du lịch tiêu biểu, đồng thời đối chiếu, so sánh với một số quốc gia trong và ngoài khu vực có thể thấy rằng, công tác đảm bảo an toàn cho du khách là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất cao giữa nhiều ngành, lĩnh vực; sự tham gia của nhiều đối tượng ở các cấp độ, lĩnh vực cũng như khu vực kinh tế khác nhau. Nhìn chung, tại Việt Nam, công tác đảm bảo an toàn cho du khách được thực hiện khá tốt, với tính linh hoạt và hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong khâu đảm bảo tính xuyên suốt, đồng nhất về mặt chính sách cũng như quá trình thực hiện.
Về điểm mạnh: Chính phủ và các cơ quan quản lý có những hành động kịp thời và chính sách phù hợp; công tác triển khai và phòng chống dịch bệnh ở địa phương được thực hiện có hiệu quả; các doanh nghiệp du lịch có thái độ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định phòng chống dịch; cơ chế hợp tác và liên kết giữa các bên liên quan được thực hiện hiệu quả và chặt chẽ.
Về hạn chế: cơ chế, chính sách, quy định ở một số địa phương chưa có sự thống nhất; một số địa phương còn hạn chế về số lượng/phương án phòng chống dịch; ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch chưa được thực hiện hiệu quả; một số đơn vị chưa có thái độ chủ động và chưa thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch.
Khó khăn: doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến hạn chế trong việc tuân thủ và thực hiện sâu sát những yêu cầu phòng chống dịch; năng lực về khoa học công nghệ còn hạn chế; hệ thống y tế phải chịu nhiều áp lực, khó có thể đáp ứng hết nhu cầu, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.
Một số vấn đề đặt ra đối với công tác đảm bảo an toàn cho du khách
Cần nâng cao tính nhất quán của hệ thống chính sách; có sự bổ sung để hệ thống chính sách thêm đầy đủ và cụ thể, đáp ứng yêu cầu ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Nâng cao sức chịu tải của hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu mở cửa đón khách du lịch; tăng cường phát triển hệ thống y tế tư nhân; xây dựng kịch bản ứng phó với những khủng hoảng do dịch bệnh.
Yêu cầu các bên liên quan trong ngành Du lịch xây dựng quy trình đảm bảo an toàn cho du khách; đảm bảo các quy trình được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; tiến hành đánh giá toàn diện các quy trình đảm bảo an toàn.
Nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng tại điểm đến và các đơn vị cung ứng dịch vụ về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng chống dịch.
Triển khai, thông tin có hiệu quả các yêu cầu đảm bảo an toàn dành cho du khách: hộ chiếu vắc xin, bảo hiểm…
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng biến đổi và quản trị rủi ro.
Ứng dụng công nghệ hiệu quả để nâng cao năng lực đảm bảo an toàn cho du khách trong điều kiện dịch bệnh; xây dựng hệ thống thống nhất, cập nhật dữ liệu để hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch.
Phương thức đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh
Trên cơ sở tổng hợp và phân tích các dữ liệu thu thập được trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra phương thức đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh” (Hình 1) như sau:
“Chính sách” sẽ là yếu tố cần được xây dựng đầu tiên, là định hướng và nền tảng để có thể “ban hành các văn bản” cụ thể liên quan tới nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho du khách. Trên cơ sở “thông tin, tuyên truyền” nhanh chóng nội dung cụ thể của các quy định, quy trình, quy chế tới các bên liên quan, những đối tượng tiếp nhận vốn giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, giám sát và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho du khách sẽ xây dựng “cơ chế phối hợp”, từ đó “triển khai” những “hành động cụ thể”. Kết quả thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn sau đó sẽ được “đánh giá” và “điều chỉnh, bổ sung” phù hợp với tình hình thực tiễn. Mô hình cũng xác định, các cơ quan quản lý về du lịch và các lĩnh vực liên quan, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quản lý và giám sát các hoạt động liên quan tới sự an toàn của du khách.
Các giải pháp cơ bản đảm bảo an toàn cho khách du lịch cần tập trung vào các khía cạnh sau:
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật đối với việc phòng chống bệnh dịch trong ngành Du lịch trên cơ sở có định hướng ngắn hạn cũng như dài hạn.
Có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch an toàn khi có dịch bệnh thông qua các khoản vay, chính sách thuế, gói hỗ trợ tài chính…
Nâng cao nhận thức và năng lực các bên liên quan về việc đảm bảo an toàn cho du khách khi có dịch bệnh với những hình thức cụ thể.
Tăng cường khả năng hợp tác, xây dựng cơ chế chia sẻ tri thức liên ngành để có được những giải pháp thống nhất, phù hợp với yêu cầu các bên.
Xây dựng đội ngũ y tế du lịch, đội ngũ phản ứng nhanh liên ngành trong các trường hợp phát hiện dịch bệnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Nhãn du lịch an toàn và Quy định khung về Nhãn du lịch an toàn.
Với sự đồng lòng của các bên liên quan ở nhiều cấp khác nhau, công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khía cạnh cần được cải thiện trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch, quá trình phục hồi du lịch Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong trường hợp tình hình dịch bệnh căng thẳng trở lại.
Tài liệu tham khảo:
1.Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Nghiên cứu đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi có dịch bệnh”, 2021
2. Quốc Hội (2007) Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Số 03/2007/QH12. Available at: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Luat-phongchong- benh-truyen-nhiem-2007-03-2007-QH12-59650.aspx (Accessed: 22 February 2022).
3. Xie, C., Zhang, J. and Morrison, A. M. (2021) ‘Developing aS cale to Measure Tourist Perceived Safety’, Journal of Travel Research, 60(6), pp. 1232–1251. doi: 10.1177/0047287520946103.
Nguyễn Thị Lan Hương
Đỗ Minh Đức
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)