Vùng đa dạng sinh học trọng điểm
VQG Sông Thanh được xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm bởi nơi đây là nơi thứ 3 của Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm, được ghi vào Sách đỏ thế giới như cầy vằn, thỏ vằn, mang lớn, sao la… và cũng là vùng chim đặc hữu của thế giới. Theo ghi nhận, VQG Sông Thanh có 53 loài thú, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loại động vật không xương sống khác. Trong đó có 23 loài thú, 12 loài chim, 16 loài bò sát và 3 loài lưỡng cư có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, các quần thể voọc vá, cu li và vượn tại VQG Sông Thanh là những quần thể linh trưởng khá tập trung của Việt Nam và thế giới. VQG Sông Thanh có hơn 899 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong Sách đỏ. Vườn có một số loại thực vật quý, hiếm như trầm hương, lan kim tuyến, chò chỉ, mây sông thanh, lá nón Trung bộ.
Sông Thanh là VQG có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất Việt Nam, hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bởi rừng nguyên sinh đẹp và lòng hồ bình yên, cùng với các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc. Phát triển du lịch tại VQG Sông Thanh cũng là cơ hội khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử đặc sắc như đường Hồ Chí Minh lịch sử, các di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam. Hiện nay, Quảng Nam đang xúc tiến xây dựng đề án phát triển hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn nhằm kết nối giữa VQG Sông Thanh, rừng Ngọc Linh và Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Sao La, đồng thời đẩy mạnh kết nối vùng du lịch sinh thái…
Định hướng phát triển du lịch sinh thái tại VQG Sông Thanh
Quanh vùng đệm của VQG Sông Thanh là nơi cư trú của cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để gợi mở định hướng khai thác du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa của các dân tộc. Đến với khu vực này, du khách có thể tham gia sinh hoạt với người dân địa phương; thưởng thức ẩm thực độc đáo; tìm hiểu về văn hóa, làng nghề, hoạt động sản xuất, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe qua các bản làng; tham quan và khám phá những nét văn hóa của người Cơ Tu, Giẻ Triêng, Mơ Nông…; tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái - cộng đồng hiệu quả như thể thao mạo hiểm - trekking; marathon băng rừng tại Khe Ru…
VQG đẩy mạnh khai thác một số tuyến du lịch trải nghiệm như đường Hồ Chí Minh lịch sử - VQG Sông Thanh; tour từ Khe Ru đến tháp Ba Tầng; tuyến tham quan phố cổ Hội An - Quảng Nam; trải nghiệm du lịch tuần tra bảo vệ rừng và tìm hiểu các di tích văn hóa Sa Huỳnh, trải nghiệm chèo thuyền trên dòng sông Thanh và cập bến vào trạm bảo vệ rừng Khe Ru để quan sát thiên nhiên và các loài động thực vật quý hiếm; tìm hiểu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam, khai thác tuyến hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn kết nối giữa VQG Sông Thanh với rừng Ngọc Linh và KBTTN Sao La. Bên cạnh đó, có thể khai thác tuyến đi bộ xuyên rừng, trải nghiệm du lịch mạo hiểm, cắm trại qua đêm, tham quan ngắm nhìn thác Grăng, cầu Thác Nước và những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ của núi rừng.
Nâng cao nhận thức về du lịch bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch. Khuyến khích cộng đồng địa phương nỗ lực bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội cho hoạt động du lịch.
Xây dựng đề án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố môi trường tại các điểm tham quan du lịch; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường trong du lịch phù hợp với tình hình phát triển du lịch VQG Sông Thanh.
Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào hoạt động phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đối với những dự án đầu tư du lịch sinh thái, giảm thiểu các tác động của du lịch đến môi trường.
Có kế hoạch đào tạo và nâng cao năng lực cho những người làm du lịch về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức về môi trường - sinh thái - văn hóa bản địa và tiếng dân tộc; tiếp cận công nghệ mới trong quản lý rừng, kinh doanh du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống…
Áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy hiệu quả việc khai thác các dạng tài nguyên; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của những người tham gia hoạt động du lịch, nhất là cộng đồng cư dân địa phương. Chú trọng tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương, phát huy giá trị văn hóa bản địa, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cư dân, giúp nâng cao đời sống kinh tế của bà con dân tộc trong vùng đệm của VQG Sông Thanh.
Tài liệu tham khảo:
1. Công Bính, (Ngày 23 tháng 12 năm 2020). Thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh. Dân trí. https://www.google.com/amp/s/amp.dantri.com.vn/xa-hoi/ thanh-lap-vuon-quoc-gia-song-thanh-20201223164449639.htm
2. Hữu Phúc, (Ngày 01 tháng 01 năm 2021). Cơ hội từ Vườn quốc gia Sông Thanh. Báo Quảng Nam. https://baoquangnam.vn/xa-hoi/co-hoi-tu-vuonquoc- gia-song-thanh-107031.html.
3. Lan Anh - Phạm Yến, (Ngày 24 tháng 12 năm 2020). Quảng Nam: Thành lập Vườn quốc gia sông Thanh. Tài nguyên và Môi trường. https:// baotainguyenmoitruong.vn/quang-nam-thanh-lap-vuon-quoc-gia-songthanh- 318482.html...
ThS. Võ Nguyên Thông
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)