Cầu nằm cách chùa Lương khoảng hơn 100m và nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với chùa thành một cụm di tích. Vì vậy, dân trong vùng quen gọi cầu bằng cái tên: cầu ngói chùa Lương. Ngoài ra, cầu còn có tên gọi khác là cầu chợ Lương, vì cầu nằm gần chợ Lương. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã. Đây là nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
Theo các tài liệu thư tịch cổ, cầu ngói chùa Lương được xây dựng cùng thời với chùa Lương, tức vào khoảng thế kỷ 16. Cầu bắc ngang sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh. Cầu được dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu). Lúc đầu, cầu chưa có mái ngói, chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế 17, cầu được trùng tu sửa chữa lại cho phù hợp với tầm vóc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Đặc biệt, lần trùng tu lớn vào năm 1922 đã tạo cho cầu có một dáng vẻ bề thế như ngày hôm nay.
Nhìn tổng thể, cầu có hình dáng giống như một ngôi nhà dài lợp ngói nằm vắt mình qua sông. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các vì kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Phần dưới là thành cầu và sàn cầu. Phần trên và dưới liên kết với nhau bằng hệ thống các cột tròn dựng dọc hai bên thành cầu và hai cổng xây ở hai đầu cầu.
Cùng với cầu ngói Thanh Toàn ở Huế, cầu Chùa Cầu ở Hội An, cầu ngói chùa Lương là một trong những công trình kiến trúc đẹp, lưu giữ được những nét kiến trúc tiêu biểu điển hình cho một loại hình công trình giao thông cổ xưa nay còn sót lại.
HN