Đua thuyền rồng trên biển Cát Bà (Hải Phòng)
Cách trung tâm thành phố Hoa phượng đỏ chưa đầy một giờ trên tàu cao tốc, du khách đã có thể thưởng ngoạn vẻ hoang sơ như chốn thần tiên của gần bốn trăm đảo lớn, nhỏ của quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) với “muôn hình, vạn trạng”, nhấp nhô trên biển xanh bao la, bốn mùa dạt dào sóng vỗ. Trên các đảo có nhiều hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, cùng với các hang động kỳ vĩ như những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của thiên nhiên. Nơi đây có những hòn Guốc, hòn Mây, Quai Xanh, Tai Kéo… rực rỡ khi bình minh lên, hay những con thuyền chở đầy tôm, cá về bến trong biển chiều sóng sánh ánh vàng của hoàng hôn buông xuống, luôn cho du khách có cảm giác đang trong chốn bồng lai tiên cảnh mênh mang giữa biển trời, mây nước.
Đã từ lâu Cát Bà được xem như một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho Hải Phòng bởi kiến tạo địa chất độc đáo với những dãy núi đá vôi xen lẫn những tùng áng, vụng vịnh và hàng trăm hang động với nhiều dáng vẻ nguyên sơ kỳ vĩ. Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái đa dạng nổi bật toàn cầu, nơi lưu giữ nhiều nguồn gien quý hiếm và có nhiều loài đặc hữu, được các nhà khoa học thế giới xếp hạng ở cấp cực kỳ nguy cấp. Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) là một trong những vịnh biển đẹp nhất với hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ giữa những hẻm núi đá trên các đảo luôn làm xiêu lòng các du khách.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cát Hải luôn chăm lo, bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo những “bảo vật” quý giá mà thiên nhiên dành cho mảnh đất nơi đây với mong muốn xây dựng, phát triển Cát Bà trở thành “đảo Ngọc Bích” - đảo du lịch xanh. Nơi đây sẽ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất với những sản phẩm du lịch độc đáo, khẳng định vị thế Cát Bà - đảo Ngọc xanh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Huyện chủ trương xây dựng thương hiệu Văn hóa du lịch người Cát Bà với môi trường du lịch an toàn, thân thiện của mỗi người dân trên đảo, luôn là những ấn tượng tốt đối với du khách... Nhờ vậy, du khách đến với Cát Bà ngày càng đông hơn. Năm 2016, huyện Cát Hải phấn đấu đạt mục tiêu thu hút hơn 1,65 triệu lượt du khách; thu hơn 825 tỷ đồng từ du lịch, dịch vụ... Thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch dịch vụ nói riêng, cải thiện môi trường vịnh biển trên cơ sở phát triển hài hoà và tương tác giữa kinh tế thủy sản và du lịch, dịch vụ. Đồng thời, nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được tổ chức như: thi ảnh đẹp du lịch Cát Bà, sáng tác biểu trưng lô-gô du lịch Cát Bà, xây dựng trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch Cát Bà, công bố công khai số điện thoại "nóng" tại hầu hết các địa điểm du khách dừng chân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử Trung tâm hướng dẫn và phát triển du lịch Cát Hải...
Công tác cải tạo, nâng cấp các bến bãi, cầu tàu và xây dựng quy chế hoạt động của bến cảng du lịch và Bến Bèo được khẩn trương hoàn thiện nhằm phục vụ du khách an toàn, chu đáo. Giá vé tham quan, giá cước tàu du lịch, giá phòng khách sạn, nhà hàng được công khai niêm yết và 100% số chủ phương tiện tham gia đội tàu phát triển bền vững và chủ của 177 khách sạn, 61 nhà hàng trên đảo đều cam kết thực hiện nghiêm túc... Cùng với đó, huyện tập trung công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường khu du lịch và các nhà hàng, khách sạn đều cam kết không xả rác, nước thải ra môi trường. Các nỗ lực nhằm tăng sức hấp dẫn, tạo dựng hình ảnh đẹp của mảnh đất, con người đảo ngọc Cát Bà luôn được lưu giữ mãi trong lòng du khách khi đến thăm đảo...
Nếu có dịp đến Cát Bà những tháng đầu mùa hè, du khách còn được hòa quyện cùng không khí lễ hội làng cá tưng bừng của người dân trên đảo. Đó là Lễ hội kỷ niệm 57 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà, Cát Hải (31-3-1959 - 31-3-2016); Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2016); khai mạc du lịch Cát Bà 2016... Cách đây 57 năm, một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng người dân huyện đảo, mùa xuân năm 1959, Bác Hồ kính yêu đã về thăm làng cá Cát Bà, Cát Hải. Bác đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ với nhân dân, nhất là các ngư dân. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua Đảng bộ, quân và dân huyện đảo đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức của chiến tranh, thiên tai, bảo tồn và phát huy những tiềm năng quý giá mà thiên nhiên ban tặng để xây dựng và phát triển huyện đảo phồn vinh. Từ một huyện đảo nghèo nàn, xa xôi, cách trở, không điện lưới, thiếu nước ngọt, giờ đây đảo Cát Bà nói riêng và huyện đảo Cát Hải nói chung đã và đang vững bước đi lên trở thành trung tâm du lịch sinh thái rừng, biển đảo của thành phố, cả nước và quốc tế.
Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, Nhà nước đã thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, dự án đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Cùng với đó là đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, dự án nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cát Bi và nhiều dự án lớn khác đang tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Hải Phòng, huyện Cát Hải, mà còn tác động đến tăng trưởng của cả khu vực phía bắc...
Đây cũng sẽ là những điều kiện lý tưởng cho hoạt động dịch vụ phát triển và du lịch Cát Bà cất cánh. Trong tương lai không xa, với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện đảo, cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành trung ương và thành phố, Cát Bà sẽ trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của đảo Ngọc.
Nguồn: Báo Nhân dân