Khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực VITA Vũ Thế Bình nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài cũng như trong nước bởi đây là vấn đề quá nóng, gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh quốc gia.
Theo tổng hợp của CLB Nhà báo Du lịch, thói xấu thường gặp của người Việt đi du lịch nước ngoài như nói oang oang nơi công cộng như ở chỗ không người, “vô tư” hút thuốc nơi có biển cấm; xả rác bừa bãi; ăn cắp vặt; trang phục tùy tiện không phù hợp với địa điểm tham quan… trong đó đáng xấu hổ nhất là thói tham ăn tục uống, lãng phí… khiến nhiều quốc gia đã đặt những biển cảnh báo bằng tiếng Việt ở những điểm du lịch, những nơi thu hút đông khách nước ngoài khiến cho hình ảnh người Việt càng trở nên tệ hại hơn.
Điều đáng nói là, hiện tượng trên ngày càng phổ biến, nhưng chưa hề có bất cứ cơ quan, ban ngành nào vào cuộc để cải thiện tình hình.
Giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ thẳng thắn gọi những hành vi nêu trên là “nỗi nhục quốc thể”. Ông Mỹ cho rằng, những thói xấu nói trên không phải mới xuất hiện gần đây, mà đã có từ rất lâu.
Căn nguyên của vấn đề, theo Phó Giám đốc công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt - doanh nghiệp đi tiên phong trong việc nâng cao hình ảnh du khách Việt - hành vi xấu của một bộ phận người Việt khi ra nước ngoài là do thói quen trong lối sống, sinh hoạt thường ngày, nó diễn ra phổ biến đến mức mọi người coi đó là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên nó phải thế. Cho đến nay chưa có chế tài xử phạt khách cũng như công ty lữ hành để khách gây hành vi xấu khi đi du lịch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Khoa Du lịch, trường Đại học KHXH&NV cho rằng, ban hành chế tài xử phạt là rất khó, bởi ngay trong nước đã có luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng rất ít người tuân thủ.
Giám đốc Dự án EU - ESRT Vũ Quốc Trí đánh giá cao cách làm của công ty TransViet qua việc doanh nghiệp xây dựng quy tắc du lịch văn minh và được in thành những tờ rơi với hình ảnh minh họa sinh động phát cho du khách, từ đó du khách nhìn nhận lại bản thân và có điều chỉnh hành vi phù hợp khi đi đến một nước khác, một nền văn hóa khác.
Theo ông Trí, để xây dựng văn hóa du lịch, Dự án EU - ESRT đang triển khai bộ Quy tắc ứng xử du lịch và bước đầu áp dụng ở một số địa phương, đem lại những kết quả khá khả quan. Thời gian tới, dự án sẽ phối hợp với VITA, CLB Nhà báo Du lịch, các trường đào tạo du lịch để đẩy mạnh tuyên truyền, tiến tới áp dụng rộng rãi bộ quy tắc này.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, để thay đổi văn hóa du lịch của người Việt là rất khó, đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và du khách.
Tuy nhiên ông Bình khẳng định: “dù khó đến mấy cũng phải làm để thay đổi tình hình vì đây là hình ảnh của quốc gia, chúng ta phải mạnh tay để cắt bỏ “ung nhọt” nếu không sẽ ngày càng lây lan”. Ông Bình cho rằng có thể coi buổi tọa đàm này như bước “khởi động” chiến dịch nhằm thay đổi hình ảnh du khách Việt khi đi du lịch ra nước ngoài. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để triển khai “chiến dịch” này.
Rất đồng tình và chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt nói thêm: “giờ là lúc phải hành động thật kiên quyết để đẩy lùi những hành vi xấu của nhiều du khách Việt khi đi du lịch ở nước ngoài cũng như ở trong nước, một đốm lửa nhỏ nếu không kịp thời dập tắt có thể tạo thành đám cháy, và lúc đó hậu quả thật khôn lường”.
PV