Nhiều tiềm năng và lợi thế của sản phẩm OCOP
Phú Thọ được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Đáng chú ý, việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được Phú Thọ chú trọng, quan tâm. Nổi bật là các sản phẩm OCOP của Phủ Thọ được người tiêu dùng biết đến như: mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn, chè xanh Bát Tiên Long Cốc, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, tương Làng Bợ, chè Đá Hen, bưởi Bằng Luân, bưởi Sửu Chí Đám… Đây đều là những sản phẩm có lịch sử lâu đời gắn liền với những địa danh có nhiều tiềm năng khai thác và xây dựng thành sản phẩm du lịch làng nghề của Phú Thọ. Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 78 sản phẩm/nhóm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 30 sản phẩm/nhóm sản phẩm hạng 4 sao. Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn hạng 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Phú Thọ là 134 sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ Trần Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tổ chức Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ; giới thiệu các tour, tuyến, điểm tham quan, các sản phẩm, đồ lưu niệm và quà gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu nông sản tỉnh Phú Thọ nhân các ngày lễ, tết tại các điểm du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu di tích lịch sử đền Hùng, Làng cổ Hùng Lô…
Chia sẻ thêm về sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho hay: Việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các hệ thống phân phối hiện đại; đồng thời, có giá bán và doanh thu cao hơn so với trước khi tham gia chương trình, đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể sản xuất khắc phục những hạn chế tồn tại, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường của người tiêu dùng cũng như khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Vũ Thị Hoài Phương nhận định: Việc hình thành điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của Phú Thọ đến với nhân dân và du khách. “Thông qua dịch vụ mua sắm, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng, đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ thông qua hoạt động du lịch, là xu thế phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn đang được du khách đặc biệt quan tâm, ủng hộ”, bà Hoài Phương nhấn mạnh.
Cần tăng cường liên kết, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm
Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cho rằng, muốn phát triển bền vững, du lịch buộc phải có sản phẩm đặc trưng được du khách ưa chuộng. Đồng thời, các ý kiến cũng đề cập đến những khó khăn, tồn tại, bấp cập trong việc phát triển sản phẩm OCOP, đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng tới việc chủ động liên kết tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến, giới thiệu điểm đến tham quan mua sắm sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại TP. Việt Trì cũng như các địa phương khác của Phú Thọ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ Trần Thanh Sơn cho biết: Hiện nay, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng hoặc thuần hóa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, tri thức địa phương chưa cao; sức cạnh tranh với các sản phẩm đặc sản của các địa phương khác còn yếu. Sau thời gian bị tác động bởi đại dịch COVID-19, việc triển khai chương trình OCOP bị gián đoạn, hoạt động ở một số địa phương có sản phẩm đặc trưng mang lại hiệu quả chưa cao, số sản phẩm tham gia và được công nhận chưa nhiều. Nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách Nhà nước cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định; các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu sự liên kết trong sản xuất, thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Đồng thời, nhận thức của các chủ thể kinh tế và người dân chưa đầy đủ vai trò và lợi ích khi tham gia chương trình; việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức.
Giám đốc Công ty Đất Xanh Việt Nguyễn Ngọc Lân - đơn vị quản lý siêu thị du lịch xanh tại TP. Việt Trì chia sẻ: Là điểm tham quan mua sắm sản phẩm nông nghiệp, kết hợp quảng bá du lịch đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ nên chưa có thị trường, do đó công tác tuyên truyền, quảng bá cần nhiều nỗ lực. Song, để thu hút được nhân dân và du khách, tạo thói quen cho người tiêu dùng cần rất nhiều thời gian.
Đề cập đến giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Công ty Du lịch Travellogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng: Phú Thọ bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng, cũng cần chú trọng phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Do vậy, cần sự phối hợp, liên kết giữa Hiệp hội Du lịch Phú Thọ và các công ty lữ hành nhằm đẩy mạnh marketing, quảng bá sản phẩm du lịch. Tại các điểm du lịch nên đặt các quầy giới thiệu sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng.
Chuyên gia du lịch Đặng Bích Thọ gợi ý: Để tạo thuận lợi cho du khách chọn mẫu sản phẩm, khi giới thiệu các sản phẩm OCOP cần có các kích cỡ khác nhau, thuận tiện cho người mua. Từ việc xây dựng điểm siêu thị du lịch nông nghiệp cần nhân rộng mô hình các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đẩy mạnh liên kết, giới thiệu sản phẩm, mỗi điểm làm video giới thiệu cho khách. Phú Thọ cần liên kết tour với các công ty lữ hành tại Hà Nội và các địa phương để giới thiệu sản phẩm.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Lữ hành Phú Thọ, Giám đốc Công ty Du lịch Bình Minh Đỗ Đức Khánh mong muốn, Du lịch Phú Thọ cần xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ. Đồng thời, cần tăng cường kết nối giữa các nhà hàng, khách sạn và các công ty lữ hành, có những chính sách ưu đãi để đưa khách đến các điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng của Phú Thọ.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đức Hòa kiến nghị: Việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, tạo thành tour khép kín khám phá làng nghề, các vùng chuyên canh, có các hoạt động trải nghiệm, khám phá tại các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, tạo giá trị sản phẩm tour tại Phú Thọ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và Phú Thọ cùng các đại biểu đã tham dự khai trương Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, tại chợ thành phố Việt Trì với 85 gian hàng của 12 tỉnh, thành phố tham dự với trên 1.000 sản phẩm nông sản, trong đó có hơn 600 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã tham gia chương trình khảo sát tour “Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc”; dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; thưởng thức show diễn “Hùng Vương truyện cổ” tại nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Tuấn Hải