Hiện nay, tình hình mua bán, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Các hoạt động mua bán và tổ chức sử dụng ma túy trái phép hoạt động ngang nhiên tại những nơi công cộng. Vì vậy đã kéo theo hàng loạt những bất ổn trong xã hội như trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã triệt phá hàng trăm vụ việc liên quan đến ma túy. Trong đó, nóng nhất là tại các địa bàn Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong (Bình Thuận). Tình hình ma túy diễn biến phức tạp kéo theo số người nghiện tăng theo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có 1.439 người nghiện, tại 9/10 huyện, thị, thành phố, chủ yếu trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, tình trạng này lây lan và phát triển tương đối nhanh tại một số xã, phường thị trấn ven biển như Phan Rí Cửa, Chí Công (Tuy Phong), Đức Long (Phan Thiết), Phước Hội, Phước Lộc (La Gi)… Số người nghiện tăng không những làm nhu cầu về ma túy tăng theo, mà nhiều người nghiện buộc phải tìm cách buôn bán ma túy hay dụ dỗ người khác nghiện theo để kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện.
Một trong những nguyên nhân khiến đối tượng nghiện tăng cao là vì hiện nay chưa có mô hình cai nghiện nào hiệu quả. Đồng thời, việc quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai vẫn còn nhiều hạn chế nên tình trạng tái nghiện khá cao (tỷ lệ tái nghiện ở Bình Thuận khoảng 80%, tuy nhiên trên thực tế con số này có khả năng cao hơn rất nhiều). Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, được coi là nơi có công tác giải quyết cai nghiện hiệu quả nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2013 trung tâm này đã cắt cơn nghiện cho 27 học viên mới, hoàn thành cai nghiện, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho 35 học viên. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nên trung tâm hiện chỉ đủ sức tiếp nhận được hơn 100 người. Trong khi đó tiến độ đầu tư nâng cấp, mở rộng trung tâm lại diễn ra quá chậm. Ngoài trung tâm cai nghiện của tỉnh, hơn 1.300 đối tượng nghiện khác chủ yếu được tổ chức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai tại địa phương. Nhưng công tác này còn gặp không ít khó khăn cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Tổ công tác cai nghiện ma túy tại một số địa phương tuy đã được thành lập nhưng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về tư vấn điều trị nghiện ma túy và dự phòng tái nghiện. Cán bộ y tế các xã chưa được tập huấn và cấp chứng chỉ điều trị cơn nghiện, chứng chỉ hành nghề. Không những vậy, công tác quản lý sau cai tại địa phương cũng không đơn giản. Các ngành chức năng, các cấp chính quyền chưa có những biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả việc đưa người nghiện sau cai vào quản lý tại địa phương theo quy định. Phần lớn gia đình có người nghiện còn bao che, dung túng, thiếu sự hợp tác với chính quyền địa phương. Trong khi đó, việc xã hội hóa về vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân góp sức, nguồn lực, tư vấn, giải quyết việc làm cho các đối tượng sau cai chưa tốt. Hầu hết người sau cai khi trở về địa phương thường bị xa lánh và không phát huy được nghề đã học, không tìm được việc làm…
Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành các bước để triển khai kế hoạch điều trị cai nghiện bằng Methadone, mở ra một hy vọng mới cho việc cai nghiện, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia việc cai nghiện có thành công hay không chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào ý thức và sự quyết tâm của người nghiện và cần nhất là sự chung tay giúp sức của cộng đồng.
PV