_watermark.jpg)
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, TS. Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn bởi đại dịch COVID-19, ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã bảo tồn, phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, đổi mới các hoạt động và sản phẩm văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích tiêu biểu như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn…; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội… Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, tạo nên sức hấp dẫn riêng của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Nhằm phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm đã diễn ra Tọa đàm “Nguồn lực Di sản văn hóa Thủ đô phát triển Công nghiệp văn hóa và xây dựng Thành phố sáng tạo”. Trao đổi tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đánh giá về nguồn lực Di sản văn hóa Thủ đô đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa; nguồn lực con người trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; kinh nghiệm trong bảo tồn, phát triển Di sản văn hóa các tỉnh, thành và các nước thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; định hướng của Sở VHTT Hà Nội để đưa di sản trở thành nguồn nhân lực phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô.
_watermark.jpg)
Nổi bật tại tọa đàm là việc chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản văn hóa Thủ đô; việc huy động, sử dụng các nguồn lực xã hội, việc kết nối cũng như những kiến nghị, đề xuất nhằm phát huy giá trị các Di sản văn hóa trong hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, khám phá các điểm đến là các di tích, danh thắng nổi tiếng của Thủ đô.
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho hay: Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo tiêu biểu như: phục dựng điện Kính Thiên, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, khai thác các giá trị của Hoàng thành Thăng Long, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của Du lịch Thủ đô. Trong gần hai năm qua, do bùng phát và tác động bởi đại dịch COVID-19, Hoàng thành Thăng Long đã tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hiện vật, xây dựng hình thức trải nghiệm mới đối với du khách. Hy vọng trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ có sự kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long với các điểm đến nổi tiếng của Thủ đô nhằm khai thác giá trị của di tích, trong đó tour khám phá về đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sẽ góp phần khai thác các giá trị văn hóa truyền thống qua di tích, tạo nên những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy Văn hóa Thủ đô ngày càng phát triển.
Tuấn Hải