.jpg)
Hội nghị Diên hồng của ngành Văn hóa
Năm 2021 đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với thắng lợi của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và khí thế quyết tâm của cả nước, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 là phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa. Sự quan tâm đó có cơ sở lí luận, thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định, phải đặt văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong bốn trụ cột mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ.
Trả lời phóng viên báo chí trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Điều đặc biệt, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ nhất, do vậy được kỳ vọng sẽ góp phần khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam…
|
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức với quy mô khá lớn với số lượng gần 600 đại biểu dự trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội) và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu ở các địa phương trên cả nước. Hội nghị đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
“Hội nghị này được xem là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, ở đó những người yêu văn hóa, những văn nghệ sĩ đưa ra các sáng kiến, kế sách để phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” - ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết. Cũng theo ông Sơn, hội nghị còn là cơ hội để đưa ra các thông điệp về phát triển văn hóa, nghệ thuật. Từ đó truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho những người làm trong lĩnh vực văn hóa cả nước thể hiện quyết tâm tạo ra sức mạnh mềm quốc gia, tạo khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời gian tới.
Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa sẽ là nguồn lực nội sinh tiếp thêm sức mạnh cho khát vọng chuyển mình của dân tộc ta. PGS.TS Phạm Duy Đức - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu, trong mỗi bước ngoặt của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng phát huy vai trò của văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nhằm biến khát vọng thực hiện các mục tiêu chính trị thành hiện thực.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Vì thế, hội nghị trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
.jpg)
Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong du lịch
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thuật ngữ "sức mạnh mềm", "phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam" lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Đồng thời, có thể gia tăng sức mạnh mềm văn hóa thông qua việc gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Du lịch, nhất là du lịch văn hóa, chính là cách thức, là con đường có hiệu quả cao để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thu hút du khách quốc tế tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư, kinh doanh, gia tăng nguồn thu nhập cho các địa phương và đất nước.
Nói về việc gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, ĐBQH Bùi Hoài Sơn khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị, bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Du lịch văn hóa là một trong 12 lĩnh vực của các ngành công nghiệp văn hóa. Lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam rất lớn bởi chúng ta có tài nguyên văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Việt Nam phát huy sức mạnh mềm của văn hóa qua du lịch cũng chính là xu thế phát triển chung trên thế giới…
Ông Sơn nhìn nhận, trong giai đoạn hậu COVID-19, việc khai thác tài nguyên văn hóa, sức mạnh mềm của văn hóa trong phục hồi du lịch sẽ là bước đi có nhiều triển vọng. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng tạo ra hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam năng động, sáng tạo và lĩnh hội các thành tựu khoa học công nghệ một cách thông minh… Đây chính là sức mạnh mềm, sức mạnh tổng hợp của đất nước được hình thành nên từ các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, chúng ta cần thay đổi tư duy trong cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước để đáp ứng những xu hướng du lịch mới, nhu cầu mới của du khách bốn phương.
Hoa Đoàn