
Theo Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm tất cả các các ngành trong cả nước. Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ảnh hưởng do giảm thu nhập cao nhất với 57,3% (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người không tham gia lao động. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% bị ảnh hưởng.
Chỉ tính riêng quý II/2020, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động, khiến lao động có việc làm giảm sâu kỷ lục trong 10 năm qua; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 156,9 nghìn người. Điều đáng nói là trong quý II/2020, tỷ lệ lao động làm việc phi chính chức lên đến 55,9%, tăng 0,6% so với quý I và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống khá cao, chiếm đến 69%.
Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, hơn 80 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được phục hồi, người lao động dần quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động TCTK Vũ Thị Thu Thủy, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nên tình hình lao động việc làm trong nước sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy, trong 2 quý còn lại cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng, để tỷ lệ thất nghiệp không vượt quá 4,1% thì chỉ tiêu thất nghiệp cả năm 4% mới có thể đạt được.
Tính đến ngày 25/6/2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỷ đồng, triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, TCTK đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải…
Ngoài ra, TCTK cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế (lao động nữ, lao động không có trình độ, trình độ thấp) nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong trạng thái “bình thường mới”; tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ… Doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”, từ đó nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.
Hạ Lê