Cục phó Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - BS Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ: Các thầy thuốc đã kế thừa những giá trị đạo đức và kiến thức trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm nay để bảo vệ sức khoẻ của người dân. Ngày nay, họ tiếp tục thể hiện truyền thống này qua việc cam kết đóng góp vào việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã trên thế giới, không sử dụng các sản phẩm trái phép từ các loài bị đe doạ trong quá trình hành nghề của mình.
Bản cam kết được thực hiện tại các hội thảo cho những người hành nghề y học cổ truyền vào các ngày 21-22/1 tại TP. Hồ Chí Minh và 29-30/1 tại Hà Tĩnh.
Các thầy thuốc cũng được chuyên gia truyền thông từ Bộ Y tế tập huấn về các kỹ năng truyền thông để trở thành những đại sứ bảo vệ động thực vật hoang dã, truyền tải những thông điệp về việc sử dụng trái phép sừng tê giác.
Thầy thuốc Nguyễn Đức Thu - Bệnh viện Y học Cổ truyền Đồng Nai chia sẻ: Khi được biết, 1.215 con tê giác đã bị săn trộm chỉ riêng tại Nam Phi vào năm 2014, tôi cảm thấy các thầy thuốc tại Việt Nam cần phải có trách nhiệm không sử dụng các sản phẩm từ động thực vật hoang dã bị đe doạ, đặc biệt là sừng tê giác, trong quá trình hành nghề bởi vì đây là hành vi trái pháp luật và không bền vững.
|
Các cuộc hội thảo trong lĩnh vực y học cổ truyền đã được tổ chức theo thoả thuận hợp tác năm được ký kết giữa Bộ Y tế và TRAFFIC vào năm 2014 nhằm thúc đẩy cam kết của Bộ Y tế đối với việc bảo vệ động thực vật hoang dã và trách nhiệm môi trường.
Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam – Bà Madelon Willemsen chia sẻ: Các thầy thuốc, những người hành nghề y học cổ truyền rất cần thiết được trang bị những thông tin pháp luật chính xác và cập nhật về việc sử dụng các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, quý hiếm trong y học cổ truyền để họ có những quyết định đúng đắn trong quá trình hành nghề.
PV