Thông tư được kết cấu thành 5 chương, 21 điều, cụ thể như sau: Chương I: Quy định chung; Chương II: Kinh doanh dịch vụ lữ hành; Chương III: Tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Chương IV: Hướng dẫn viên du lịch; Chương V: Điều khoản thi hành.
Theo đó, Thông tư quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế; mẫu đơn đề nghị, thông báo, biên bản; mẫu giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch; mẫu chứng chỉ, giấy chứng nhận và các mẫu biển hiệu trong lĩnh vực du lịch.
Đây là những nội dung mà quy định hướng dẫn chi tiết cần được xây dựng, ban hành cùng thời điểm Luật Du lịch có hiệu lực, đảm bảo quy định của Luật được thực hiện và áp dụng có hiệu quả trong cuộc sống.
Đối tượng áp dụng bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; Tổng cục Du lịch; Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến du lịch.
Luật Du lịch được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 19/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
P.V