Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Du lịch Hà Nội phải thúc đẩy du lịch cả nước
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2017 ngành Du lịch Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: đón 23,83 triệu lượt khách (tăng 9% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, khách nội địa đạt 18,88 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 70,958 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2016), công suất sử dụng buồng phòng bình quân của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 62,28%. Hà Nội được xuất hiện trong các bảng xếp hạng du lịch quốc tế như top 10 thành phố có lượng khách tăng nhanh nhất thế giới (Mastercard), top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (Business Insider), top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm, top 10 điểm đến dẫn đầu xu thế du lịch 2018... Nhìn chung, ngành Du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội. Sự tăng trưởng của du lịch Hà Nội đã được đánh giá là 01 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn chúc mừng và ghi nhận kết quả tăng trưởng của Du lịch Hà Nội trong năm 2017; tuy nhiên, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, vì tốc độ tăng trưởng của Hà Nội vẫn thấp hơn trung bình tăng trưởng cả nước, tốc độ tăng trưởng buồng phòng chưa cao... trong khi với vai trò thủ đô và đầu tàu về du lịch thì Du lịch Hà Nội cần phải tăng trưởng cao hơn nữa.
Trong bối cảnh ngành Du lịch gặt hái nhiều thành công trong năm 2017 với nhiều sự kiện và dấu ấn lớn, thế giới biết đến Du lịch Việt Nam nhiều hơn...; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đề nghị năm 2018 Du lịch Hà Nội phải bứt phá, tiếp tục duy trì vị trí quan trọng thúc đẩy du lịch cả nước.
Để thực hiện được điều này, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cần triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch sửa đổi 2017...; nghiên cứu giải pháp tái cơ cấu ngành Du lịch; tập trung phát huy các lợi thế để xây dựng sản phẩm; chú ý liên kết du lịch theo tam giác Hà Nội – Hạ Long – Tràng An, TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng, liên kết giữa các điểm đến lân cận Hà Nội... Hà Nội nên là địa phương tiên phong đi đầu thực hiện nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: phát động tổ chức phong trào sinh viên tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ cho khách du lịch; giải quyết triệt để vấn đề nhà vệ sinh cho khách du lịch.
Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư để tăng sức chứa, năng lực thu hút và đón tiếp du khách tại Hà Nội. Vấn đề quản lý điểm đến, vệ sinh môi trường, an ninh an toàn cần phải được quan tâm, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan. Đẩy mạnh và đổi mới công tác quảng bá xúc tiến, gắn sản phẩm với thị trường, vận dụng e-marketing; khắc phục hạn chế, giải quyết các điểm nghẽn của Du lịch Thủ đô...
Năm 2018, Hà Nội đặt ra mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 7% so với năm 2017, trong đó lượng khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 75.783 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Để đạt được những mục tiêu như trên, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, ngành Du lịch Thủ đô phải quyết tâm mạnh mẽ triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ VHTTDL giao; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Du lịch 2017, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, vấn đề xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là khâu chiến lược trong năm 2018 của ngành Du lịch Thủ đô.
|
HN