Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Xây dựng pháp luật phải đi vào cuộc sống, được thực tiễn đón nhận…”
Thực tiễn đòi hỏi cách tiếp cận mới…
Báo cáo tại hội nghị về một số kết quả của triển khai xây dựng pháp luật của ngành trong năm 2021, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm cho biết, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển sự nghiệp VHTTDL, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chuyển từ “làm văn hóa sang quản lý văn hóa”, trong năm 2021, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều công việc, nổi bật như tổ chức đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật về VHTTDL nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng; với số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL được rà soát, đánh giá gồm 7 Luật, 52 Nghị định của Chính phủ, 48 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 279 Thông tư.
Cũng trong năm 2021, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền 3 dự án Luật. Triển khai tổng kết Luật Di sản văn hóa và Luật Quảng cáo. Xây dựng và trình Chính phủ 6 Nghị định, trong đó 4 Nghị định được ban hành trong năm 2021. Năm 2022 được đánh giá là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn mà Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Cụ thể là 3 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua (Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Nghiên cứu rà soát 3 dự án Luật là Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Nghệ thuật biểu diễn. Trình Chính phủ 8 Nghị định.
Bên cạnh những ưu điểm, ông Liêm nhìn nhận những hạn chế về pháp luật của ngành, đó là chưa thể chế hóa toàn diện, kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL; còn sự chồng chéo, thiếu thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan; hiệu lực pháp lý chưa cao…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, xây dựng pháp luật là vấn đề khó và rộng, nhiều vấn đề trước đây có nhưng bây giờ xuất hiện, như sử dụng Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy… đòi hỏi cách tiếp cận mới là chuyển tư duy về làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.
Bộ trưởng yêu cầu, muốn quản lý tốt thì phải tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, các đơn vị cần chuyển mạnh tư duy về vấn đề này, không quản lý theo kiểu chỉ tập trung vào sự vụ, không làm sự kiện đơn thuần.
“Khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật thì phải nghiên cứu sâu, có những luận giải để xem ở đâu là ‘điểm nghẽn’. Xây dựng pháp luật ở đây không chỉ là công cụ quản lý mà phải tạo ra động lực phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.
Khó chồng khó trong việc xây dựng pháp luật ngành…
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền kiến nghị xây dựng cơ chế khuyến khích cùng tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan cùng tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật. “Xác định nhiệm vụ sửa đổi Luật Di sản Văn hóa theo hướng đơn giản hóa hình thức văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về di sản văn hóa” bà Hiền nói.
Đề cập những vướng mắc trong quá trình xây dựng luật, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thẳng thắn “tâm lý của hầu hết các đơn vị là sợ, sợ ở đây không phải là sợ trách nhiệm, mà sợ quy trình do liên quan đến nhiều ngành liên quan để đi tới sự thống nhất..
“Xây dựng luật là một quy trình rất khó, nên để văn bản quy phạm pháp luật ‘sống’ lâu thì Cục luôn chú trọng 3 vấn đề đó là đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, của các bên tham gia chịu sự tác động, thông qua đó tạo ra cơ chế chính sách để phát triển trong lĩnh vực”, bà Hương nói.
Về đội ngũ cán bộ được đào tạo về pháp luật để nâng cao hiệu quả thực thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phượng cho biết, trong số 693 công chức thuộc Bộ, cử nhân Luật là 84 người, thạc sỹ 12 người và TS là 02 người, do đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ am hiểu, xây dựng pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ là việc cần thiết, bà Phượng kiến nghị.
Chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức, cách tiếp cận là bước đột phá của ngành VHTTDL
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, sự chuyển đổi nhận thức của Bộ VHTTDL trong xây dựng pháp luật là thành công quan trọng mà không phải Bộ nào cũng thực hiện được. Đánh giá cao sự quan tâm của Bộ VHTTDL đối với công tác xây dựng thể chế, ông Tuyến chia sẻ, xây dựng văn bản quy định pháp luật là công việc khó, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL cần chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng thêm biên chế cho đội ngũ làm công tác pháp chế; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng các bộ luật khi trình lên cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần ký một quy chế với các đơn vị về công tác xây dựng pháp luật…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Lương Anh Tấn ghi nhận sự nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng những điểm nhấn và điểm nghẽn trong công tác xây dựng thể chế của Bộ VHTTDL.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, các ý kiến đã giúp Hội nghị có thêm cách nhìn mới, phương pháp tiếp cận tốt hơn để công tác xây dựng pháp luật trong năm 2022 ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về khâu đột phá trong xây dựng thể chế.
Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ trong năm 2021, Bộ trưởng nêu rõ, do xác định đúng và trúng chủ đề Năm Xây dựng cơ chế chính sách, Bộ đã tập trung vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật; chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa, thông qua công cụ pháp luật.
“Công việc xây dựng pháp luật và điều hành quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong năm 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận”, Bộ trưởng khẳng định. Cụ thể, những công việc có tính chất thường xuyên được duy trì và tổ chức đảm bảo yêu cầu; tạo nhiều điểm nhấn. Trong năm, Bộ đã tổ chức Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách tiếp cận và tư duy trong xây dựng pháp luật. Bộ cũng đã phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành TƯ, cơ quan hữu quan để nâng cao hơn chất lượng các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL luôn tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật, từng bước đảm bảo tiến độ, chất lượng các văn bản luật với tư cách cơ quan soạn thảo. Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, với tư cách là hai cơ quan cùng tổ chức thực hiện, đồng hành và tháo gỡ ngay từ đầu những vướng mắc. Đồng thời, bước đầu phát huy vai trò chuyên gia trong bối cảnh đang thiếu nguồn lực.
Nhờ những kết quả này, nhìn lại các yêu cầu đặt ra, các bộ luật được Quốc hội yêu cầu xây dựng, Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL đã hoàn thành bước đầu và đảm bảo đúng tiến độ. Cụ thể, về Luật Điện ảnh sửa đổi, lãnh đạo Bộ vừa làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, cơ bản các vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã được tháo gỡ, thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ.
Về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ đã làm việc với Uỷ ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ, từ đó có điều kiện hiệu đính, chỉnh lý và làm tốt hơn.
Điểm lại những công việc đã làm, Bộ trưởng cho rằng đó là những dấu ấn đáng mừng, là tín hiệu vui khích lệ các đơn vị quản lý nhà nước tổ chức thực hiện tốt hơn công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong năm 2022.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn có một số vấn đề hạn chế. Đơn cử, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, chưa sâu, chưa thực sự tạo động lực của sự phát triển. Một số văn bản luật có “tuổi thọ ngắn” sau khi ban hành. Bộ trưởng lưu ý, dù rằng thực tiễn luôn vận động và phát triển nhưng nếu dự báo đúng, có tầm nhìn xa thì sẽ khắc phục được vấn đề này.
Nhận thức của một số Cục, Vụ khi được giao hoặc khi đăng ký xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn đơn giản, dẫn đến tình trạng xin đăng ký, được phê duyệt nhưng khi làm không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bộ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân là do thiếu cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận, mấu chốt là thể chế quan điểm đường lối của Đảng. Cần tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận để xây dựng pháp luật, không cảm tính.
Việc phân công trách nhiệm cơ quan chuẩn bị, Tổ soạn thảo còn nhầm lẫn. Chưa phát huy đầy đủ đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật. Có Cục, Vụ không có cán bộ am hiểu pháp luật nhưng lại được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Luật. Bộ trưởng yêu cầu vấn đề này cần được nhìn nhận và sớm khắc phục.
Trong năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu, những công việc có tính chất bắt buộc phải có sự quyết tâm và nỗ lực hoàn thành. Đối với những công việc chuyển tiếp, phải làm quyết liệt hơn để hoàn thành đúng tiến độ. Theo đó, Luật Điện ảnh cần khẩn trương hoàn tất nội dung theo kết luận của Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Phòng chống bạo lực gia đình tiếp tục bám sát các ý kiến thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý; làm việc với nhóm chuyên gia để khu trú và khắc phục những lỗi không cần thiết, đặc biệt nắm vững về xây dựng các quy định pháp luật. Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong việc tham gia phối hợp xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, lãnh đạo Bộ, Cục Bản quyền tác giả tiếp tục làm việc với các Bộ để hoàn thiện, đặc biệt chú ý vấn đề quyền và tác quyền trên không gian mạng, tránh những bất cập nảy sinh…
Viễn Nguyệt