“Có ngày hôm nay là nhờ ‘tổng công trình sư’ Dương Minh Bình…”
Trong không gian thoáng đãng của ngôi nhà sàn bề thế, mặt chính hướng ra cánh đồng bát ngát bao quanh bởi dòng suối nhỏ ngày đêm róc rách, phía xa là những dãy núi nhấp nhô, Vì Văn Hưởng, Giám đốc khu vực Tây Bắc của chương trình Du lịch phát triển cộng đồng (Community Based Tourism - CBT) không giấu nổi niềm tự hào và xúc động khi nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề.
Cơ duyên gặp gỡ với “thầy Bình” không chỉ bất ngờ mở ra một ngã rẽ trong cuộc đời chàng trai người Thái Vì Văn Hưởng, mà còn góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng Mai Hịch, tích cực xóa đói giảm nghèo cho bà con dân bản. Chính điểm nhấn thành công của CBT Mai Hịch đã đặt nền móng cho mô hình homestay tại nhiều địa phương khác trong cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên cho đến Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam…
Năm 2011, Hưởng xin vào làm phụ trách thực địa cho một dự án của tổ chức phi chính phủ (NGO) đang triển khai trên địa bàn xã Mai Hịch. Anh được cử đi học tập kinh nghiệm về làm kinh tế gia đình tại Sapa (Lào Cai). “Bê’ nguyên xi mô hình “khách du lịch ăn ở cùng người dân” từ Sapa về áp dụng tại 5 hộ dân sở hữu nhà to nhất Mai Hịch thời điểm đó với suy nghĩ đơn giản “nhà mình to hơn nhà họ, họ làm được thì mình cũng làm được”. Kết quả anh nhận được là… thất bại toàn tập. Một số đơn vị lữ hành vào khảo sát nhưng đều một đi không trở lại, vì họ không dám mạo hiểm cho khách ở theo kiểu “dân sao khách vậy”.
Là dự án chuyên về hỗ trợ nâng cao tính ngăn nắp, gọn gàng trong sinh hoạt, đời sống cộng đồng nên đương nhiên kinh nghiệm về du lịch không có nhiều. Song, những người làm dự án khi đó cũng nhận ra mấu chốt của vấn đề. Đó là không thể áp dụng dập khuôn bất cứ một mô hình nào nếu không có kiến thức căn bản, không có chuyên môn. Ngay từ những chi tiết tưởng chừng rất đơn giản như bài trí nhà cửa, khu vực vệ sinh…, nếu không chú trọng thì sẽ tạo cho khách ấn tượng không tốt ngay từ ban đầu. Hưởng biết đến những điều này từ khi gặp chuyên gia Dương Minh Bình.
“Năm 2013 dự án bước vào giai đoạn kết thúc, lúc đó thầy Bình được mời về để đào tạo cho người dân Mai Hịch làm du lịch cộng đồng, tôi may mắn được phụ việc cho ông”, anh Hưởng kể. Cũng thời điểm đó, một chuyến đi khảo sát thực tế về mô hình homestay tại làng du lịch cộng đồng Phương Thiện, Hà Giang được tổ chức cho lãnh đạo địa phương và một số hộ dân Mai Hịch, trong đó có anh chị Minh Thơ (chủ homestay Minh Thơ bây giờ).
Mối băn khoăn sau chuyến khảo sát là có nên làm homestay hay không? Mặc dù khí thế hừng hực nhưng “dư âm” của thất bại lần trước khiến ai cũng ngại ngần. Và còn trở ngại nữa là làm homestay thì kết nối với ai, ai sẽ là người đưa khách về? trong khi Mai Hịch lại sát bản Lác – vốn đã rất nổi tiếng và thu hút đông đảo khách quốc tế, trong nước.
“Tôi không tin mô hình homestay tại đây lại không thu hút được khách, cứ mạnh dạn làm đi”, ông Bình khích lệ.
Khi biết ngôi nhà sàn cũ kỹ bị bỏ hoang tới 7 năm liền, thậm chí chủ nhân rao bán với giá “rẻ như cho” cũng chẳng ai ngó ngàng được tiến hành sửa sang để làm homestay du lịch, bà con dân bản ai cũng ngạc nhiên, vì với họ nói đến du lịch là bản Lác. “Nhà Minh khuất quá, sao mà làm được”, nhiều người dân nghi hoặc.
Với cá tính “làm không cần nói”, ông Bình chứng tỏ bằng hành động, không những “cầm tay chỉ việc”, từ việc bưng bê, rót nước mời khách thế nào, sắp xếp vật dụng đồ đạc ra sao…, ông còn tận dụng và sử dụng toàn bộ nguyên vật liệu tranh, tre, nứa, lá tại chỗ để tăng tính thân thiện với môi trường và mang đậm bản sắc địa phương.
“Không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân rất ngạc nhiên, thắc mắc vì sao một chuyên gia tiếng tăm như vậy lại tiết kiệm đến thế. Những đồ đạc hầu như không còn giá trị sử dụng được ông giữ lại và “biến” thành những món đồ độc đáo không ai ngờ, như quầy bar được “chế” từ chiếc tủ cũ kỹ từ đời nảo đời nào, bàn uống nước được làm từ lõi cuộn dây điện cao thế, hay chiếc ống tre đựng đũa, chao đèn… Ngôi nhà cũng vậy, khuôn, cột còn tốt đều được tái sử dụng để tiết kiệm chi phí”, anh Hưởng kể lại.
Dưới sự chỉ đạo của ông, những người thợ địa phương chỉ với một con dao và một chiếc cưa để làm nhà, dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có tại địa phương, vật liệu tre, đá được sử dụng một cách tinh tế, hài hòa với khung cảnh xung quanh.
Homestay đầu tiên ở Mai Hịch ra đời như thế. Ngôi nhà xập xệ cũ nát xưa kia như được lột xác trở thành một nơi lưu trú đẹp đẽ, xinh xắn. Sự vui mừng như được nhân lên gấp bội khi đoàn khách ngoại quốc đầu tiên – 22 du khách Pháp lưu trú và tỏ vẻ hài lòng về dịch vụ, cho dù khi đó còn rất mộc mạc, giản đơn.
Biết homestay Minh Thơ có đủ năng lực đón khách, bản Lác san sẻ bằng cách gửi khách xuống nghỉ qua đêm nhưng không sử dụng dịch vụ ăn uống mà đưa người xuống nấu ăn. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, lượng khách lưu trú đạt 400 khách.
Nhận thấy “phần cứng” tạm ổn nhưng “phần mềm” còn khá nhiều khiếm khuyết, ông Bình tiếp tục ở lại Mai Hịch 6 tháng để đào tạo cho người dân các kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. Từng chi tiết nhỏ nhất trong việc phục vụ khách được ông chỉ bảo tận tình. Năm 2014, một bếp trưởng của khách sạn Sheraton được ông Bình mời lên tập huấn nấu ăn cho bà con. Đồ ăn tự chọn, được chế biến từ nông sản, thực phẩm từ chính người dân bản địa làm ra. Đơn sơ như ngô, khoai, sắn, trái cây địa phương… lại rất được du khách ưa chuộng.
Nhờ sự độc đáo này, lượng khách về Mai Hịch tăng lên rất mạnh. Cuối 2014 lượng khách đạt 1.500 khách.
“Một năm làm nông nghiệp và chăn nuôi sau khi trừ đi mọi chi phí còn dư ra khoảng 25 triệu đồng, trong khi đó làm du lịch mang lại nguồn thu cao hơn hẳn, lại nhàn hơn làm nông”, anh Minh, chủ homestay nói.
Nhận thấy nguồn lợi từ du lịch mang lại, một số hộ dân cũng tham gia làm homestay góp phần đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách. Đặc biệt, sau chuyến khảo sát được ông Bình tổ chức cho trên 30 hãng lữ hành inbound đến Mai Hịch, lượng khách đến đây khám phá trải nghiệm tăng rất nhanh. Cuối 2015, khách đến Mai Hịch đạt 3.000 lượt, trong đó 95% là khách quốc tế.
“Có hộ dân định làm nhà 3 tầng bê tông kiên cố để phục vụ khách lưu trú, nhưng thầy Bình đã vận động, thuyết phục nên làm nhà sàn để giữ bản sắc. Nhận thức được vấn đề, hộ đó từ bỏ ý định làm nhà bê tông, thay vào đó là một ngôi nhà sàn”, Hưởng kể.
Hiện tại, Mai Hịch có 12 homestay, năm 2019 tổng lượng khách phục vụ đạt 22.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 9,8 tỷ đồng. Thành quả này đã được Tổng cục Du lịch vinh danh “Điểm Du lịch cộng đồng chuẩn Asean”.
Cùng với phát triển homestay, các dịch vụ tại điểm cho khách được ông Bình tư vấn như đạp xe, trải nghiệm suối bằng bè tre… phát triển mạnh, đem lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách, cũng như nguồn thu nhập cho bà con dân bản.
“Mai Châu có 22 xã người Thái sinh sống, bao quanh là 43km suối, bè tre gắn kết với người Thái trong đời sống, tâm linh, do đó phát triển sản phẩm này không chỉ giữ được bản sắc, mà còn rất ý nghĩa, vừa độc đáo vừa thân thiện môi trường, nên được du khách rất thích thú, dạo bè tre ngắm cảnh trên suối Xia vòng quanh Mai Hịch hết khoảng 1h đồng hồ”, anh Hưởng cho hay.
Hiện đội văn nghệ Mai Hịch tăng lên 6 đội, hoạt động hài hòa, hay dịch vụ xe đạp cũng vậy, từ 20 chiếc ban đầu nay lên 80 chiếc. Địa phương kiên quyết không chấp nhận loại hình xe điện xe có động cơ để bảo vệ môi trường sinh thái.
Nỗ lực vươn xa…
Thành công từ mô hình homestay tại Mai Hịch còn thu hút nhiều hoạt động từ thiện xã hội từ các tổ chức quốc tế. Trường học được hỗ trợ xây dựng, nhiều hoàn cảnh khó khăn được tặng sách vở, đồ dùng học tập. Đặc biệt, một tổ chức của Hà Lan đã hỗ trợ toàn bộ các hộ gia đình ở Mai Hịch xây bếp lò thay cho bếp củi (318 bếp, mỗi bếp trị giá 600.000 đồng) để cải thiện đời sống.
Thành công của CBT Mai Hịch được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) ghi nhận, khuyến khích ông Bình thành lập doanh nghiệp xã hội CBT Travel, với sứ mệnh nhân rộng mô hình du lịch phát triển bền vững cho cộng đồng này ra toàn quốc.
CBT Travel đã thiết lập được bộ tiêu chí chuẩn mực cho loại hình homestay “made in Vietnam” đầy sáng tạo. Nhiều điểm cho đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình... rồi xuống Đồng Tháp, Sa Đéc, Đồng Nai theo đặt hàng của chính quyền các tỉnh quyết tâm đầu tư cho du lịch phát triển.
Được sự khích lệ của “tổng công trình sư” Phạm Minh Bình, sự đồng tình của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở các bản làng xa xôi hẻo lánh đã trở thành nhà đầu tư chính cho dự án du lịch cộng đồng, sau đó thông qua tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập mối quan hệ của cơ sở homestay với các tổ chức, doanh nghiệp khác để thu hút khách. CBT Travel vẫn duy trì giám sát các hoạt động của mỗi cơ sở, trợ giúp việc đảm bảo các quy chuẩn chất lượng và phân phối lợi nhuận du lịch một cách hợp lý giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư địa phương, tạo nên những kết quả ấn tượng trong việc phát triển mô hình CBT.
“Mỗi nơi có một đặc trưng, như Nghĩa Lộ (Yên Bái) là người Thái đen thì có gì khác biệt, phải thể hiện được điều đó để du khách nhận biết về văn hóa, địa hình, cảnh quan. Về lưu trú không có sự khác biệt lớn, nhưng về ẩm thực mỗi địa phương chọn ra một đặc trưng tạo điểm nhấn”, Vì Văn Hưởng chia sẻ.
Với tour Mai Hịch hiện đã kết nối với Pà Cò tạo ra sản phẩm mới, đêm đầu tiên khách ở Pà Cò, hôm sau trekking 14 km rồi về Mai Hịch, tiếp theo là hoạt động đạp xe, đi bè, chèo thuyền.
Lớp dạy nấu ăn cùng người dân cũng được du khách rất thích thú. “Cooking class chuẩn thì phải có đầu bếp, có mũ, rồi gia vị, bếp nấu… rất phức tạp, do đó chúng tôi sáng tạo ra nấu ăn với người dân Thái, làm cơm lam, làm bánh… đơn giản nhưng khách nước ngoài rất thích thú…
Tuy nhiên, điều khá “vướng” hiện nay ở nhiều địa phương là chưa làm được đồ lưu niệm cho khách. Đây là sự trăn trở lớn của những người làm du lịch CBT.
“Chúng tôi quan niệm thà rằng không có chứ có thì phải đúng của địa phương, do người dân làm, chứ không thể đi mua về rồi bán cho khách, như vậy sẽ là giả, mà đã là giả thì mất lòng tin của khách và cái mất sẽ vô cùng lớn”, anh Hưởng tâm sự.
Viễn Nguyệt