Diễn đàn cấp cao nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận toàn cầu về cách du lịch có thể góp phần làm cho hành tinh trở nên thịnh vượng một cách bền vững và toàn diện. Đồng thời đưa thành phố Barcelona, một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới thành một khu vực để phản ánh, tranh luận và đưa ra các sáng kiến, đề xuất mới cho việc khôi phục, hiện đại hóa và tái tạo ngành du lịch trong tương lai.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Diễn đàn cấp cao nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, cũng như vai trò thiết yếu của đầu tư du lịch và ứng dụng đổi mới sáng tạo đối với tiến trình xây dựng ngành du lịch bền vững và tự cường hơn”.
Cùng với việc các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tuần tới, các cuộc thảo luận tại diễn đàn đã thể hiện rõ quyết tâm của ngành Du lịch trong việc đón nhận sự đổi mới và đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết để giúp ngành thực hiện đúng trách nhiệm hành động vì khí hậu của mình.
Tại diễn đàn, các nước đã nêu lên những thách thức với ngành du lịch, trong đó việc phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19; tái khởi động du lịch; biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; đào tạo nguồn nhân lực; đồng bộ hoá các thủ tục/yêu cầu khi nhập cảnh giữa các quốc gia; chuyển đổi số; phát triển du lịch bền vững trong tương lai…là những vấn đề mà đa phần các nước tham gia đang gặp khó khăn.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, tại Việt Nam với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, lực lượng lao động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa vĩnh viễn và phần lớn lao động du lịch bị mất việc làm. Chúng tôi dự báo rằng ở giai đoạn đầu khi các hoạt động du lịch tiếp tục trở lại, nhu cầu về lực lượng lao động du lịch sẽ vượt xa nguồn cung từ thị trường lao động. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho ngành du lịch, bao gồm hỗ trợ tài chính và xã hội cho lao động du lịch. Đồng thời, chúng tôi đang hợp tác với các đối tác đang phát triển để thực hiện các chương trình đào tạo cho nhân lực du lịch trong thời gian đầy thử thách này.
“Chính phủ Việt Nam đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm nay, và chúng tôi sẽ quản lý để từng bước cân bằng cung cầu của thị trường lao động du lịch, cũng như tiếp tục tập trung vào nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Để mô tả về tương lai của ngành Du lịch trong ngắn gọn "một từ", Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã lựa chọn “Digitalisation – số hóa”, bởi trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu về du lịch kỹ thuật số ngày càng nhiều đồng thời công nghệ cũng giúp quản lý điểm đến, tăng cường hiệu quả tiếp thị, kiểm soát an toàn và an ninh, mang lại các tương tác không tiếp xúc và cung cấp trải nghiệm du lịch thú vị, chân thực hơn.
PV