Ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2008 chỉ đạt khoảng 4,25 triệu lượt người, thấp hơn rất nhiều so với con số dự báo từ 4,8 – 5 triệu lượt người đầu năm nay và so với năm 2007 chỉ còn tăng khoảng 0,5%. Đây là một tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến thấp kỷ lục ở nước ta từ năm 2004 đến nay: Tốc độ tăng trưởng năm 2004 là 21,9%; năm 2005 là 17,5%; năm 2006 là 4,5% và năm 2007 là 17,5%.
Cơ cấu khách đến theo mục đích biến động trái ngược nhau
Kết quả thống kê du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2008 cho thấy số khách đến vì các mục đích khác nhau đã biến động không giống nhau, trong khi số khách đến thuần túy du lịch, tăng nhẹ thì số khách đến vì mục đích công việc kết hợp du lịch tăng rất mạnh và ngược lại số khách đến với mục đích thăm thân kết hợp du lịch đã giảm xuống rõ rệt, cụ thể:
+Số khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích thuần túy du lịch, nghỉ ngơi ước tính cả năm đạt hơn 2,6 triệu lượt người, chỉ tăng 1,2% so với năm 2007, tuy nhiên về tỷ trọng vẫn chiếm 61,6% trong tổng số khách quốc tế đến, cao hơn 0,3% so với năm 2007 và 3,4% so với bình quân 4 năm từ 2004 - 2007. Điều này cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm, thu nhập và chi tiêu cá nhân thu hẹp, giá cả thị trường và giá các tour du lịch leo thang làm hạn chế rất nhiều nhu cầu đi du lịch thế giới, nhưng thị trường Việt Nam vẫn thu hút được một lượng khách khá lớn và đặc biệt là số khách đến thuần túy mục đích du lịch, nghỉ ngơi vẫn giữ vững và tăng hơn năm.
+Cùng với các dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục chưa từng thấy ở nước ta, gấp nhiều lần năm 2007 và các năm trước đó thì số khách quốc tế đến Việt Nam vì công việc kết hợp du lịch, trong đó bao gồm cả những người đến để làm các công việc đàm phán, tìm kiếm thị trường, tìm cơ hội đầu tư … cũng tăng theo rất mạnh. Ước tính tổng số khách quốc tế đến vì mục đích công việc kết hợp du lịch cả năm nay đạt hơn 850 ngàn người, tăng 29,2% so với năm 2007 và chiếm 20,1% trong tổng số du khách quốc tế đến, cao hơn 4,5% và 4,3% so với 2007 và bình quân 4 năm trước đó.
Mặc dù số lượng khách đến vì mục đích công việc kết hợp du lịch có xu hướng giảm tốc khá mạnh trong những tháng cuối năm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nhìn chung số khách này vẫn tăng lên với tốc độ khá cao so với năm 2007 và nhiều năm trước. Kết quả này là do thị trường nước ta cho đến nay vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường có tiềm năng và hấp dẫn. Cụ thể số dự án và vốn FDI đăng ký vào nước ta trong 11 tháng năm nay đã tăng lên với tốc độ kỷ lục, đạt hơn một nghìn dự án với số vốn đăng ký hơn 59 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với con số 20,3 tỷ USD của cả năm 2007 và cao hơn rất nhiều lần so với các năm trước đó.
+Số du khách đến với mục đích thăm bạn bè, người thân kết hợp du lịch đã giảm mạnh, chỉ còn bằng 81,9%, đã giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2007 và tỷ trọng trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam từ chiếm 15,2% bình quân trong 4 năm 2004 - 2007 xuống chỉ còn 11,9%, đã giảm đi 3,3% trong năm nay. Điều này có thể lý giải là do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu đã làm cho thu nhập và chi tiêu của nhiều kiều dân Việt Nam ở nước ngoài bị thu hẹp và do đó làm cho nhiều người đã phải gác lại các cuộc hồi hương về nước thăm thân kết hợp du lịch trong năm nay.
Cũng như “lộ trình” giảm tốc về số khách quốc tế đến Việt Nam thuần túy mục đích du lịch và công việc kết hợp du lịch nói trên, “lộ trình” giảm tốc về số du khách đến Việt Nam với mục đích thăm bạn bè, người thân kết hợp du lịch năm nay cũng đã bắt đầu từ tháng 5 và từ sau đó đến nay đã liên tục tụôt dốc không phanh cùng với mức độ ngày càng trầm trọng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã diễn ra.
Khách đến từ thị trường gần tăng, thị trường xa giảm hoặc tăng thấp
Cho đến nay, Việt Nam ta đã có khoảng 30 thị trường truyền thống thường xuyên có số lượng khách đến khá lớn và liên tục tăng cao. Đó là khách đến từ các thị trường láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia; từ thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore; từ các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; từ các thị trường châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Italia, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Nga…; từ thị trường châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada và từ châu Đại Dương như Australia, Newzeland. Tuy nhiên, đến năm nay thì chỉ còn khách đến từ một số thị trường láng giềng và khu vực có vị trí địa lý gần với nước ta như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore và một ít thị trường khác thuộc châu Âu như Thụy Điển, Na Uy và Nga còn tăng khá cao; còn khách đến từ Mỹ và Australia tuy vẫn tăng nhưng tốc độ rất thấp và khách từ các thị trường còn lại đều cùng chung xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia, Pháp, Anh, Đức…
+Các thị trường có lưu lượng khách đến hàng năm tương đối lớn và tăng cao, nhưng năm nay đã giảm khá mạnh là Nhật Bản, chỉ còn đạt hơn 390 ngàn lượt người, chiếm 9,2%, đã giảm 6,2%; Hàn Quốc hơn 450 ngàn, chiếm 10,7% và giảm 4%; Đài Loan hơn 300 ngàn lượt người, giảm 3,3%; Pháp hơn 180 ngàn lượt người, chiếm 4,3% và giảm 1,3%; Đức hơn 95 ngàn, chiếm 2,2% và giảm 6,6%; Anh khoảng 105 ngàn, chiếm 2,5% và giảm 0,6%; Campuchia gần 145 ngàn, chiếm 3,4% và giảm 4,2% so với cùng năm 2007…
Quan sát cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam theo châu lục cho thấy, khách từ châu Á vẫn chiếm thị phần lớn nhất, ước tính cả năm đat hơn 2,3 triệu lượt người, chiếm 55% thị phần và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2007; tiếp đến là khách đến từ châu Âu hơn 600 ngàn lượt người, chiếm 4,4% thị phần và giảm 2%, năm 2007 đạt gần 630 ngàn, chiếm 14,8% thị phần và tăng 31,7%; khách đến từ châu Mỹ hơn 500 ngàn lượt người, chiếm 11,9% thị phần và tăng 1,5%, năm 2007 đạt hơn 497 ngàn, chiếm 11,8% thị phần và tăng 8,4%; khách đến từ châu Đại Dương hơn 250 ngàn lượt người, chiếm 4,8% thị phần và tăng 2,8%, năm 2007 gần 245 ngàn, chiếm 5,8% và tăng 30,9%. Như vậy, nếu tính chung cho cả châu lục thì chỉ có du khách đến từ châu Âu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước, còn du khách đến từ các châu lục khác vẫn tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đạt rất thấp so với nhiều năm trước.
Xu hướng 2009: Đầu năm tiếp tục giảm, cuối năm có khả năng hồi phục
Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế thế giới thì hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu hiện nay sẽ còn kéo dài sang quý I và II năm 2009 và khả năng hồi phục có thể được chỉ từ 6 tháng cuối năm, vì vậy lưu lượng khách đi du lịch thế giới nói chung và đến Việt Nam nói riêng cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và theo xu hướng giảm xuống cho đến khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Đặc biệt, đối với dòng khách đến từ các nền kinh tế lớn nằm trong tâm xoáy của cơn bão tài chính như Mỹ, các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á và châu Đại Dương sẽ tiếp tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2009. Tuy nhiên, du khách đến từ các thị trường láng giềng gần như Trung Quốc, các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia… một mặt do vị trí địa lý gần và mặt khác, do không nằm vào vùng tâm xoáy của bão tài chính nên du khách đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ sẽ không còn cao như các năm trước đây. Từ đó, có thể dự báo tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm so với cùng kỳ 2008, nhưng mức độ giảm có thể ít hơn các tháng cuối năm 2008; từ quý III/2009 trở đi lưu lượng khách đi du lịch thế giới và đến Việt Nam có khả năng sẽ được hồi phục và tăng trở lại.
Lý Minh Khải