Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa: Lan tỏa “tư duy mới” về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Khai mạc Hội nghị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, với mục tiêu không ngừng nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đất nước, của dân tộc, của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Nghị quyết TW8 khóa XI đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, đó là những vấn đề về nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng Đảng; bảo vệ an ninh chính trị; về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; về phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đặc biệt NQ TW 8 xác định nhiệm vụ về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển và nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang chính quy vững mạnh.
Bộ trưởng nêu rõ, 10 năm qua, bên cạnh việc tập trung thực hiện toàn diện 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp ghi trong NQ, Bộ VHTTDL mà trực tiếp là Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo về vấn đề học tập và phát triển đồng thời với đó là xây dựng các kế hoạch để tổ chức thực hiện toàn bộ nhiệm vụ này, trong đó nhấn mạnh về yếu tố xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đâykhông chỉ là chức năng quản lý nhà nước của Bộ mà còn là vấn đề ở tầm cao hơn. “Giữ được văn hóa chính là giữ được đất nước. Trong lịch sử dân tộc, vua Quang Trung, vị vua áo vải cờ đào đã nói “đánh cho để răng đen, đánh cho để tóc dài, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ..”, ý chí đó như nhắc nhở chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nói, văn hóa còn, dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với sự nỗ lực cố gắng toàn ngành văn hóa những năm qua đã cố gắng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hội nghị lần này bên cạnh việc đánh giá lại toàn diện những nhóm nhiệm vụ giải pháp đã nêu, cần dành thời gian để nghiên cứu sâu về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm mà ngành văn hóa có vai trò tham mưu, rút ra những bài học kinh nghiệm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, trên cơ sở đó, xác định các nhiệm vụ trong thời gian tới để tập trung thực hiện tốt và chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục quán triệt và triển khai khi TW có NQ mới. Đây là yêu cầu có tính chất cấp bách mà toàn ngành phải tổ chức thực hiện thông qua Hội nghị này, Bộ trưởng yêu cầu.
Báo cáo tóm tắt những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện NQTW8 khóa XI, Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 28 - NQ/TW, ngày 25/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI ) ban hành trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa 2010 - 2020, nên tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển mới, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa phát triển tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bổ sung thêm giá trị mới khi gắn con người với văn hóa, (Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước), qua đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển toàn diện con người từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng”…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự thống nhất về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời đánh giá cao các hoạt động của ngành VHTTDL thời gian qua.
“Văn hóa là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các hội nghị gần đây được tổ chức như Hội nghị văn hóa toàn quốc, các hội thảo lớn về Đề cương văn hóa, xây dựng nguồn lực cho văn hóa đã làm rõ nét vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là trong tình hình mới…”, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo nói.
Làm rõ hơn vấn đề, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, ngành văn hóa vừa là cơ quan tham mưu và quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, sự lan tỏa văn hóa cần mạnh hơn nữa. Trong nhân dân đã có sự chuyển biến rất rõ trong nhận thức, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn để sự lan tỏa ngày càng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhấn mạnh “những từ khóa cốt lõi nhất”, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc” và câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “văn hóa còn, dân tộc còn”, sức mạnh trường tồn của dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử ngày càng được phát huy, đó là vai trò của văn hóa. “Văn hóa cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả tinh thần, vật chất nhưng cao hơn cả là lòng yêu nước, đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần tự lực tự cường, yêu chuộng hòa bình, khát vọng độc lập, tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ… để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Chúng ta luôn nhớ câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đây là mục tiêu cốt lõi nhất…”.
Về những thời cơ và thách thức đối với văn hóa, Bí thư TW Đảng cho rằng, đó là “tư duy mới” về bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Những nội hàm văn hóa ngày càng trở nên quan trọng, NQTW 8 không phải chỉ đánh giá 10 năm thực hiện mà là nhìn lại, đúc kết lại một chặng đường rất dài của dân tộc, quá trình đó tư duy đổi mới rất nhiều, và cùng lan tỏa tinh thần đó. Bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều yêu cầu, đó là đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc…
“Chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay, đó là sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, của hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của văn hóa thể thao du lịch. Điều này đã và đang ngày càng được khẳng định, thể thao là tinh thần thượng võ, rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe và bảo vệ tổ quốc, du lịch là hoạt động giao lưu văn hóa, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tăng cường hợp tác và hội nhập…
Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 đã nêu rõ: “Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần ; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp”, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Hùng Nguyễn