Du lịch Bến Tre
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Bến Tre, từ năm 2011 đến năm 2014, tổng lượng khách du lịch đến Bến Tre đều tăng qua các năm: năm 2012 đạt 610 ngàn lượt khách (tăng 12,92% so với năm 2011); năm 2013 đạt 693 ngàn lượt khách (tăng 13,61% so với năm 2012); năm 2014 đạt 800,4 ngàn lượt khách (tăng 15,5% so với năm 2013). Kết quả này cho thấy tốc độ tăng lượt khách đến với Bến Tre ngày càng cao, đặc biệt là khách quốc tế.
Doanh thu từ du lịch của tỉnh cũng tăng đều qua các năm, năm 2013 đạt 368 tỷ đồng (tăng 22,67% so với năm 2012); năm 2014 đạt 459 tỷ đồng (tăng 24,73% so với năm 2013). Nhìn chung, tốc độ tăng doanh thu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng lượt khách đến, điều này chứng tỏ mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Bến Tre ngày càng mạnh hơn. Trong đó khách chi tiêu rất nhiều vào hoạt động ăn uống và mua sắm.
Sở dĩ có được kết quả này là bởi Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, đề án phát triển chung cho toàn tỉnh, trong đó phát triển du lịch được coi là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện và dần hoàn thành các chương trình, đề án tại nhiều địa phương như: Đề án phát triển du lịch huyện Châu Thành, bao gồm triển khai mới trạm dừng chân An Khánh, tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh du lịch, triển khai dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch ven sông Tiền; kế hoạch phát triển du lịch của TP. Bến Tre, bao gồm chỉnh trang nâng cấp đô thị, phát triển các điểm du lịch Nam thành phố, thực hiện dự án xây dựng các điểm du lịch Phú An Khang, Đồng Khởi Palace, khách sạn Dừa,…; chương trình hành động phát triển du lịch của huyện Thạnh Phú bao gồm dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre”; dự án phát triển du lịch tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, điểm du lịch Cồn Bửng,…
Về các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, tính đến hết tháng 12/2014, toàn tỉnh có 25 công ty kinh doanh du lịch; 70 cơ sở lưu trú; 96 điểm du lịch… Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh du lịch trong thời gian qua đã không ngừng đổi mới, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, quy mô nhỏ dẫn đến khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch của các doanh nghiệp này còn rất hạn chế.
Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trình độ còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, tốc độ thu hút lao động cho hoạt động du lịch còn rất thấp so với tốc độ tăng doanh thu và lượt khách đến với Bến Tre. Phần lớn lao động trong ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh nói riêng là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Đây chính là một thách thức rất lớn, bởi hoạt động du lịch, đòi hỏi nhân viên cần nhiều kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là kiến thức về ngoại ngữ để phục vụ khách quốc tế. Do đó, nguồn nhân lực du lịch Bến Tre hiện nay chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra.
Chi phí đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch Bến Tre đều tăng. Tuy nhiên, nguồn lực từ các doanh nghiệp vẫn còn hạn hẹp và đầu tư theo kiểu tự phát nên nhà nước cần quan tâm tìm kiếm chi phí đầu tư từ các nguồn khác. Bên cạnh đó, trong cơ cấu đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến đầu tư cơ sở lưu trú, các lĩnh vực khác như: dịch vụ ăn uống, mua sắm chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức.
Ngoài hệ thống các sản phẩm du lịch truyền thống sông nước miệt vườn, làng quê, Bến Tre còn phát triển một số sản phẩm du lịch mới như: các khách sạn, khu nghỉ dưỡng; ẩm thực truyền thống; spa, karaoke, massage… phục vụ khách du lịch. Các sản phẩm được đa dạng hóa: ngủ đêm nhà nổi trên sông, nghỉ đêm trên du thuyền di động, đàn ca tài tử, tham quan trại nuôi gà nòi, tổ chức thí điểm trò chơi đá chim, hội thi gà đẹp, tổ chức khu chợ đêm và ẩm thực… Nhìn chung các sản phẩm dịch vụ du lịch của Bến Tre rất phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, Bến Tre vẫn chưa có một sản phẩm dịch vụ đặc thù riêng biệt cho mình. Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống các doanh nghiệp cần phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ hiện đại, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh rất quan tâm nâng cấp cơ sở kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh nhằm thu hút nguồn khách về Bến Tre. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh với các doanh nghiệp tỉnh lân cận như: xúc tiến – khảo sát du lịch tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; tổ chức và tham gia khảo sát tại các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; tham gia hội chợ Thương mại – Du lịch tại Bạc Liêu; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – Hà Nội 2014; tổ chức họp giữa 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long để bàn về liên kết xúc tiến du lịch,…
Bến Tre hình thành bởi 3 dãy cù lao là: cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và được bao bọc bởi 4 con sông lớn, với khoảng 6.000km chiều dài kênh rạch và 65km bờ biển, địa hình bằng phẳng, hình thành nên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn. |
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Du lịch Bến Tre
Tăng cường đầu tư có trọng điểm theo quy hoạch vào hạ tầng và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ở những địa điểm có lợi thế du lịch như: huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, huyện Chợ Lách. Tiếp tục tập trung đầu tư triển khai dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch ven sông Tiền, chỉnh trang nâng cấp đô thị, phát triển các điểm du lịch Nam thành phố. Có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre.
Xây dựng các chính sách và các chương trình hành động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; thực hiện chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Đầu tư tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong tổ chức hoạt động du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch.
Hình thành cơ chế quỹ phát triển du lịch và quỹ xúc tiến du lịch để tạo nguồn lực cho phát triển du lịch đặc biệt từ sự liên kết giữa các địa phương lân cận và TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện chiến lược marketing cho du lịch tại Bến Tre đặc biệt là e-marketing. Tỉnh nên tăng cường tổ chức các sự kiện như liên hoan ẩm thực xứ Dừa, hội chợ Văn hóa – Du lịch, liên hoan ẩm thực Nam Bộ,…
Nâng cao sức cạnh tranh cho Du lịch Bến Tre về tính độc đáo dựa vào giá trị văn hóa truyền thống tại xứ dừa, di sản văn hóa nổi bật của quê hương đồng khởi, sản phẩm đặc thù nổi trội về ẩm thực tại Bến Tre, coi trọng phát triển du lịch xanh, sản phẩm du lịch thân thiện môi trường có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư địa phương, tăng cường giao lưu, tương tác giữa khách với cư dân bản địa.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng; tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón và tiễn khách du lịch để đảm bảo yêu cầu phát triển, rút ngắn thời gian di chuyển, tăng quỹ thời gian lưu trú.
Tập trung quản lý điểm đến và chất lượng du lịch: Tập trung quản lý phát triển các điểm đến du lịch tại Bến Tre đảm bảo an toàn, thân thiện và hiếu khách. Hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng trong ngành Du lịch, đảm bảo duy trì chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh.
Ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho du lịch phát triển dựa trên cơ sở tiếp cận du lịch là động lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển để từ đó huy động nguồn lực liên ngành phục vụ phát triển du lịch.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch làm tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp về du lịch; đẩy mạnh đầu tư cho đào tạo quản lý, hướng dẫn viên về kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ.
Tài liệu Tham khảo
1. Bordas, E., 1994. Competitiveness of tourist destinations in long distance markets. The Tourist Review, 3, 3-9.
2. Gooroochurn, N., & Sugiyarto, G., 2005. Competitiveness indicators in the travel and tourism industry. Tourism Economics, 11(1), 25-43 |
ThS. Nguyễn Thành Long