Mù Căng Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia ngày 18/10/2007. Một danh thắng có lẽ vào loại đặc biệt và độc đáo bậc nhất ở Việt Nam. Thị trấn Mù Căng Chải nằm ngay bên dòng Nậm Kim, ngày đêm nước chảy xối xả làm nên vẻ đẹp thơ mộng hiếm có cho thị trấn vùng cao.
Tiềm năng phát triển Du lịch Mù Căng Chải
Trong những năm gần đây, khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước có xu hướng tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, những sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Loại hình du lịch này ngày càng phát triển, hấp dẫn và thu hút du khách. Thực tế cho thấy, du lịch phát triển giúp cho dân bản địa phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và xóa bỏ tập tục lạc hậu, thay vào đó là cuộc sống văn hóa văn minh. Đồng bào người dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện giao lưu kết hợp giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống.
Với lợi thế sẵn có, Mù Căng Chải có rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo. Nếu lấy dòng Nậm Kim và quốc lộ 32 làm chuẩn thì xã Zế Xu Phình nằm ở tả ngạn Nậm Kim, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha nằm ở bên hữu hạn Nậm Kim trên đường vào trung tâm huyện lỵ Mù Căng Chải. Theo đó, xã La Pán Tẩn cách trung tâm huyện 20km, Zế Xu Phình cách 15km, Chế Cu Nha cách 6km. Như thế điểm đến du lịch ba xã này rất thuận lợi. Tới đây những “mâm xôi vàng, mâm xôi xanh”tầng tầng lớp lớp hiện lên giữa bạt ngàn nơi núi rừng vùng cao này, thu hút bất cứ ai đặt chân đến Mù Căng Chải. Xã La Pán Tẩn không gần đường nhưng đây là nơi đẹp nhất và tập trung nhất trong hệ thống ruộng bậc thang của huyện Mù Căng Chải, cùng với cảnh sắc thiên nhiên và những nét văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông tương lai sẽ là điểm đến lý tưởng cho hàng ngàn du khách và các nhà nghiên cứu, nơi đây thích hợp cho việc tổ chức các tour sinh thái, mạo hiểm, trekking, xe đạp, xe mô tô và khám phá văn hóa dân tộc bản địa cùng ăn cùng nghỉ tại nhà dân “homestay”. Cùng với du lịch phát triển là hàng loạt các sản phẩm đặc trưng của vùng được giới thiệu và tiêu thụ như: chè Pú Luông, mật ong rừng nổi tiếng chất lượng phấn hoa từ thiên nhiên, rượu sơn tra (được làm từ quả táo mèo), rượu thóc được chiết lọc ra từ hạt lúa nương, hàng vải thổ cẩm, nhuộm sợi, và dệt vải bằng sợi lanh là một nghề thủ công phổ biến của cộng đồng người Mông, phụ nữ Mông ở đâu cũng tranh thủ ngồi thêu, tước sợi lanh để dệt. Ngoài ra hoạt động đan lát cũng khá thành thạo phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp. Đặc biệt là nghề chạm Bạc, nghề rèn đúc rất nổi tiếng với kỹ thuật công phu, tạo ra rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, cuốc, lưỡi cày, nòng súng kíp… các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp được chính bàn tay của người dân nơi đây tạo nên, sản phẩm chất lượng tốt mà không phải dân tộc nào cũng làm được…, chế tác nhạc cụ làm ra những chiếc khèn bè, những cây sáo lưỡi gà, đàn môi... Hiện nay, tuy các sản phẩm du lịch chưa được quảng bá rộng rãi, chưa được xây dựng thành thương hiệu trên thị trường nhưng các sản phẩm nơi đây cũng được các khách hàng du lịch rất quan tâm.
Mù Căng Chải có 20,293ha rừng già và rừng nguyên sinh, 12,838ha rừng thông, hơn 2.000ha rừng sơn tra mà ta quen gọi Táo Mèo, khu bảo tồn các loại sinh cảnh cùng hệ thống dày đặc các khe, suối, hang động. Đây là những cảnh quan thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Yến Bái.
Tuy vậy, trong những năm qua, Du lịch Yên Bái vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Điều đó do Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp, sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và thu hút các nguồn lực hạn chế.
Vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch.
Trước hết cần rà soát và nghiên cứu những giá trị của tài nguyên du lịch tại Mù Căng Chải ví như để có được một gói chè Pú Luông ngon, giá của nó được biết đến như một sản phẩm du lịch có sự chênh lệch nhau khá lớn so với ngoài thị trường, sự chênh lệch này nằm trong giá trị tiềm ẩn của nó. Khách du lịch chỉ có thể biết được giá trị này với sự giúp đỡ của ngành Du lịch, trong đó vai trò của người hướng dẫn viên du lịch. Nếu biết tổ chức khéo léo cho du khách được vào trong các làng, bản được tận mắt xem, được làm và đi theo người Mông lên núi hái chè, sự kỳ công và tỉ mỉ trong việc sao chè, vo chè... để có được gói chè tức là đã biết đánh thức những giá trị của sản phẩm đó bán ngay tại chính nơi làm ra sản phẩm bán cho khách. Khi khách du lịch bỏ tiền ra để mua những sản phẩm đó, họ biết rằng giá trị của sản phẩm này cũng là một phần từ chính bàn tay của họ làm ra. Cũng như vậy với các lễ hội rất giàu bản sắc của dân tộc thiểu số, nếu biết đưa khách tham gia trực tiếp vào lễ hội, giải thích ý nghĩa của lễ hội đó, sẽ làm cho du khách vui lòng mua những sản phẩm tại nơi đây, giá trị những sản phẩm gia tăng do ngành Du lịch tạo ra. Tuy nhiên, ở đây tuyệt đối không thương mại hóa các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội tâm linh, tôn giáo.
Một trong những đặc điểm của sản phẩm du lịch là tính địa lý. Sản phẩm du lịch không được chuyên chở đến cho khách mà ngược lại, du khách được chuyên chở đến nơi có sản phẩm du lịch để tiêu thụ nó tại nơi tạo ra sản phẩm du lịch đó. Vì vậy, để phát triển du lịch và là điểm nhấn cho du lịch Yên Bái chúng ta cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo và hấp dẫn khách du lịch.
Hoàng Ngọc Hà