Ngày 13/1/1992, Chính phủ quyết định thành lập Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên với tổng diện tích là 73.878ha (nằm trải rộng trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng). Tiếp đó, ngày 10/11/2001, VQG Cát Tiên trở thành khu Dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới. Và đến tháng 8/2005, Bàu Sấu – một bộ phận của VQG Cát Tiên (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai) tiếp tục được công nhận là khu ramsar thứ 1.499 của thế giới, đồng thời là khu ramsar thứ 2 của Việt Nam.
Nằm ở độ cao trung bình 130m so với mặt nước biển, Khu ramsar Bàu Sấu có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước thường xuyên. Bao bọc xung quanh bàu là các mảng rừng, có nhiều vùng nước ngập sâu. Hệ động, thực vật vô cùng đa dạng: Phù du thực vật: gồm 250 loài thuộc 7 ngành tảo; thảm thực vật: gồm các loài thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh khá phong phú với 127 loài thuộc 55 họ. Tại đây, bên cạnh các loài thực vật đặc trưng cho khu vực nước ngập quanh năm như rong, sen, súng, sậy, bèo ong, bèo cái… thì còn có nhiều loài thực vật thích nghi với đời sống bán ngập nước hoặc độ ẩm cao. Về động vật thì có: động vật phù du; động vật đáy; các loài bò sát; ếch; cá; chim; thú… Mỗi loài lại có nhiều họ, bộ khác nhau (trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ).
Không chỉ mang chức năng điều chỉnh của một hệ sinh thái: bao gồm nạp và tiết nước ngầm; biến đổi và kiểm soát dòng chảy; biến đổi các chất hữu cơ, biến đổi cacbon; đa dạng sinh vật; sinh sản của sinh vật; di cư và trú đông của sinh vật mà Bàu Sấu còn là “công cụ” để con người kiểm soát lũ lụt; là vùng sinh cảnh quan trọng bảo tồn và cung cấp nguồn giống cá nước ngọt cho toàn hệ thống sông Đồng Nai; điều tiết nguồn nước cho bà con sinh sống ở hạ lưu sông Đồng Nai và quanh VQG Cát Tiên; cung cấp nước cho hồ thuỷ điện Trị An…
Trong nhiều năm qua, VQG Cát Tiên nói chung và Khu ramsar Bàu Sấu nói riêng đã và đang được tiến hành khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Bàu Sấu không chỉ là khu đất ngập nước có luồng hệ thực vật phong phú mà còn là một trong số ít nơi còn lưu giữ được di chỉ của nền văn hoá Óc Eo. Đồng thời, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống khá đặc sắc của đồng bào các dân tộc S’tiêng, Châu Mạ sinh sống trong khu vực VQG và vùng phụ cận cũng trở thành những ưu thế để khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Bàu Sấu vừa là nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập về sinh thái, sinh học, địa lí, thổ nhưỡng vừa là nơi tham quan ngắm cảnh, giải trí. Tại đây, du khách được trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, tận hưởng bầu không khí trong lành và tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt truyền thống…
Mặc dù có nhiều ưu thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái và đã phần nào phát triển được những sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ du lịch chưa tương xứng với vai trò là “hạt nhân” của VQG Cát Tiên. Vì vậy, các nhà quản lý cần phải có chiến lược đầu tư, chính sách khai thác phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; bảo tồn hệ sinh thái – sự đa dạng sinh học hợp lí, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Ngọc An