
Từ thuở xa xưa tới ngày nay, loại nhạc cụ này tồn tại như một phần tất yếu trong cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, dù ở cấp độ cộng đồng buôn làng hay đối với từng cá nhân. Trong các sử thi kể về thời sơ khai của người Êđê, Mnông, Bana, Giarai... đều có cồng chiêng. Đây không chỉ là nhạc khí, mà còn là gia sản quý, có giá trị trao đổi hàng hóa suốt bao đời trước. Trong xã hội đậm đà tập tính cộng đồng nơi đây, tiếng cồng chiêng có tác dụng kết nối mọi người lại với nhau. Cuộc đời người Tây Nguyên nào cũng thấm đượm âm thanh cồng chiêng, từ lúc sơ sinh cho đến khi về thế giới bên kia. Hơn thế nữa, trong tín ngưỡng, âm nhạc cồng chiêng như một phương tiện đặc biệt, có tính thiêng, để con người giao tiếp được với thần linh, người quá cố và các bậc tổ tiên. Âm nhạc cồng chiêng phục vụ cho những sinh hoạt cộng đồng, dịp lễ hội. Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi tiếng cồng tiếng chiêng là tiếng nói, tín hiệu hay biểu tượng của người Tây Nguyên.
Sự quý giá của cồng chiêng bao trùm cả hai lĩnh vực: vật thể và phi vật thể. Cồng chiêng đứng đầu trong hệ thống nhạc cụ Tây Nguyên. Văn hóa cồng chiêng là một hợp phần rất quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi tộc người nói riêng và của toàn Tây Nguyên nói chung. Những giá trị to lớn và đặc biệt của di sản này được các cư dân bản địa Tây Nguyên sở hữu và trao truyền trong cộng đồng, được giới nghiên cứu khẳng định, các nhà quản lý quan tâm, được UNESCO tôn vinh.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là tất yếu, song không hề đơn giản. Văn hóa cồng chiêng bị tác động không nhỏ bởi sự biến đổi lớn về môi trường tồn tại của nó, về cả tự nhiên và xã hội.
Nữ nhạc sĩ người Êđê Linh Nga Niê Kđăm đã phải thốt lên, không gian văn hóa cồng chiêng sẽ mất nếu Tây Nguyên không còn rừng! Nhưng rừng bị đẩy lùi nhanh chóng, đến mức du khách lên Tây Nguyên bây giờ không dễ được thấy rừng nữa.
Con người và cuộc sống của các tộc người Tây Nguyên đã khác trước rất nhiều. Việc nhập cư từ nhiều nơi khác làm cho dân số gia tăng nhanh chóng và thành phần tộc người cũng nhiều lên rõ rệt; các dân tộc bản địa đã trở thành cư dân thiểu số tại mỗi tỉnh. Quá trình chuyển biến toàn diện về kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt trong khoảng 40 năm gần đây, diễn ra rộng khắp ở Tây Nguyên; hàng loạt yếu tố cổ truyền bị phôi phai trước sự lan tràn ồ ạt của những yếu tố mới được tiếp nhận một cách dễ dãi, nhất là với lớp trẻ và trung niên.
Nền nông nghiệp nương rẫy giảm thiểu, kinh tế ruộng nước và kinh tế vườn mở mang, cây công nghiệp phát triển, kinh tế hàng hóa thâm nhập, xã hội mở ra, dân trí nâng cao, đời sống vật chất cải thiện... Trong bối cảnh đó, quan niệm về tập tục truyền thống dần trở nên không còn nghiêm ngặt nữa. Ngay cả lễ hiến sinh trâu, loại lễ tục lớn nhất của người Tây Nguyên, cũng ít khi được tổ chức. Hệ quả là, môi trường lễ hội suy giảm khiến cho sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng hạn hẹp hơn trước.
Nhưng ngày nay cồng chiêng lại được mở ra cho cả những sinh hoạt đơn thuần là biểu diễn văn nghệ trong các dịp hoạt động kiểu hội hè, được "sân khấu hóa". Thậm chí, có nơi người ta còn can thiệp, biến dàn cồng chiêng từ chỗ được cấu tạo bởi thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm thành thang âm 7 nốt như âm nhạc phương Tây, và coi đó là "cải tiến".
Bên cạnh đó, do tác động của kinh tế thị trường, cồng chiêng trở thành thứ hàng hóa bình thường. Có những gia đình bán cồng chiêng để lấy tiền đầu tư vào sản xuất. Vì vậy, nạn "chảy máu" cồng chiêng đã xảy ra trầm trọng trước việc săn lùng ráo riết của giới buôn cổ vật. Số lượng cồng chiêng ở xứ sở này đã giảm đi rất nhiều, nhất là trong thập niên cuối của thế kỷ trước. Mà ai cũng dễ hiểu, mất cồng chiêng ắt dẫn tới mất văn hóa cồng chiêng!.
Cùng với những diễn biến kể trên, số "nghệ nhân" diễn tấu cồng chiêng trong các buôn làng Tây Nguyên cũng ngày càng vắng bóng dần. Thêm nữa, song hành với âm nhạc cồng chiêng, không thể thiếu những người thợ chỉnh chiêng, chuẩn lại âm thanh cho từng bộ cồng chiêng. Nhưng ngày nay đội ngũ "thợ lành nghề" này cũng ít dần đi.

Như vậy, trong thực tế, từ cồng chiêng cho đến môi trường diễn tấu cồng chiêng và người chơi cồng chiêng đều không thuận cho việc thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhu cầu bảo tồn tự thân và sự tự giác tham gia bảo tồn của họ là nhân tố tiên quyết ở đây. Người dân Tây Nguyên phải thấy cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng là di sản quý báu cần được giữ gìn, tiếp nối. Thêm vào đó, cồng chiêng phải được người dân sử dụng trong đời sống của họ. Những lễ hội cồng chiêng do chính quyền tổ chức không chỉ có mục đích đẩy mạnh du lịch, mà còn nhằm khích lệ bảo tồn bản sắc văn hóa, nhưng còn mang tính phong trào. Để bảo tồn và phát huy một cách thực chất và bền vững văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, việc bảo tồn tại chỗ hay bảo tồn nội tại ở các cộng đồng dân cư thiết nghĩ là điều quan trọng nhất.
PGS.TS. Lưu Hùng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)