Để phát triển du lịch nhanh và bền vững, việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc có vai trò quyết định. Trong các sản phẩm đó, ẩm thực đang nổi lên là một thế mạnh của du lịch Việt Nam nên cần sớm đưa ẩm thực thành một loại hình du lịch hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.
Theo đánh giá trong dự án “Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ẩm thực Việt Nam hấp dẫn khách du lịch, cả khách quốc tế và nội địa. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được bạn bè quốc tế thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Sự kiện các vị nguyên thủ nhiều quốc gia đến Việt Nam thưởng thức ẩm thực như Tổng thống Hoa Kỳ Bil Clinton đếm ăn phở năm 2000 ở TP. Hồ Chí Minh hay Tổng thống Obama đã ăn bún chả ở Hà Nội vào năm 2016… đã góp phần làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn. Giáo sư Philip Kotler, chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới cùng đã gợi ý cho ngành Du lịch Việt Nam: Hãy đưa Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới” để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập hiện nay, người Việt Nam ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đầu tư để bảo tồn, phát triển ẩm thực truyền thống là nhu cầu quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế xã hội đất nước. Chính vì thế, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Việt Nam được thành lập, là nơi nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các món ăn Việt, đào tạo đội ngũ đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn nhằm phát triển mảng ẩm thực, hỗ trợ phát triển du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam tại khu di tích danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc) nơi có đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu… Theo truyền thuyết, hoàng tử Lang Liêu là người đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với hai món ăn đặc biệt của toàn dân tộc. Do đó, hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông Tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Hoàng tử Lang Liêu và vợ là Lăng Thị Tiêu - người đồng hành cùng ông trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh dày cần được tôn vinh.
Hiện nay, lực lượng đầu bếp chuyên nghiệp của Việt Nam có trên 50.000 người. Họ chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, đồng thời cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam có chi hội hầu hết ở các tỉnh có du lịch phát triển, nhằm liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng tài năng cho đội ngũ đầu bếp Việt Nam, tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt.
Chia sẻ tại hội thảo, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết nhấn mạnh: tâm huyết của những người trong ngành ẩm thực muốn làm sao đưa ẩm thực Việt Nam có thương hiệu mạnh, từ đó vươn ra tầm cỡ quốc tế, bởi ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú với kho tàng gia vị trở thành bài thuốc quý báu… được nhiều người bạn quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cần chú trọng vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm được dặt lên hàng đầu, cùng với thái độ phục vụ thực khách… Một vấn đề cũng được bà đề cập đến là cần đẩy mạnh ẩm thực Việt Nam hơn tại các khách sạn 5 sao ở Việt Nam hiện nay, bởi đồ buffet Âu còn chiếm nhiều ưu thế hơn. Đó cũng là một cách quảng bá ẩm thực Việt, giúp lan tỏa được hồn cốt ẩm thực Việt nhiều hơn nữa.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung tâm đắc và đánh giá cao các ý kiến của các nhà nghiên cứu đưa ra, nhấn mạnh đây là những điều thiết thực cho ngành Du lịch, bởi ẩm thực là một tài nguyên có giá trị, dư địa phát triển cho du lịch rất lớn, rất cần được khai thác. Đây là loại hình du lịch nổi trội và khác biệt của Việt Nam cần đưa vào trong chiến lược hoặc trong quy hoạch, có chính sách phát triển để thực sự phấn đấu trở thành bếp ăn của thế giới. Từ việc nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ẩm thực được nâng lên, thì trong các tham mưu của TCDL, Bộ VHTTDL trong các chiến lược cũng cần nâng cao hàm lượng và dung lượng của văn hóa ẩm thực, có chính sách, chương trình hành động phù hợp để ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng là tăng cường sự hấp dẫn của điểm đến.
Hoa Trang