Du lịch mạo hiểm có mặt tại Việt Nam từ những năm 1990 và bắt đầu khởi sắc từ khi Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với Công ty Raid Gauloises tổ chức cuộc đua Raid Gauloises 2002 tại 9 tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đó, hàng loạt công ty du lịch đã triển khai các chương trình du lịch mạo hiểm phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Từ đó đến nay, du lịch mạo hiểm không ngừng phát triển và thu hút ngày càng nhiều du khách tham gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam du lịch mạo hiểm vẫn phát triển theo hướng tự phát, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hay quy định hướng dẫn quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch mạo hiểm (hiện mới có một số thông tư, chỉ thị, nghị định quy định về việc tổ chức các hoạt động thể thao có liên quan trong du lịch mạo hiểm; chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm; bảo đảm an toàn cho du khách đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của du khách…). Do đó, tại các địa phương, các cơ quan quản lý du lịch còn bị động, thiếu các hướng dẫn, chỉ dẫn và cảnh báo an toàn cho du khách tại các khu vực nguy hiểm, dẫn đến việc một số du khách gặp tai nạn đáng tiếc tại Lâm Đồng, Lào Cai… thời gian qua.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm. Theo đó, Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành được thành lập, với thành viên là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo du lịch, hiệp hội lữ hành… Từ tháng 1/2017, Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành đã xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm, bao gồm các tiêu chuẩn Du lịch mạo hiểm - Nhà điều hành - Năng lực cá nhân (dựa trên cơ sở chấp nhận có sửa đổi ISO/TR 21102:2013), Du lịch mạo hiểm - Hệ thống quản lý an toàn - Yêu cầu, Du lịch mạo hiểm - Thông tin cho những người tham gia (trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng ISO 21101:2014, ISO 21103:2014). Sở cứ xây dựng các yêu cầu kỹ thuật bao gồm: tổng hợp, phân tích các tiêu chuẩn quốc tế, tài liệu kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu liên quan đến du lịch mạo hiểm; căn cứ ý kiến từ các buổi làm việc và kết quả điều tra xã hội học; căn cứ đóng góp của đội ngũ chuyên gia; căn cứ kết quả thảo luận tại các cuộc họp của Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành và ý kiến của chuyên gia tư vấn.
Tại Hội nghị chuyên đề (lần thứ hai) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm, đa số đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm; đồng thời cho rằng cần hoàn thiện dự thảo bằng cách tiếp tục chuẩn hóa, Việt hóa các khái niệm, thuật ngữ và cách diễn đạt; bổ sung các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hoạt động du lịch mạo hiểm như yêu cầu về kỹ năng sơ cứu cho du khách, yêu cầu về sức khỏe của du khách, yêu cầu người hướng dẫn nắm rõ thông tin về địa điểm diễn ra hoạt động du lịch mạo hiểm…
Kết luận hội nghị, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời cho biết Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện nội dung dự thảo. Tiêu chuẩn này sau khi được thẩm định và trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, sẽ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản giao nhiệm vụ cho Tổng cục Du lịch tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích áp dụng trong các đơn vị, cá nhân cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm.
Phương Thảo