CẤU TRÚC VÀ CHỨC NĂNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN
Về mặt không gian, mỗi khu dự trữ sinh quyển phải được quy hoạch thành ba vùng rõ rệt: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Mỗi khu dự trữ sinh quyển có thể có một hoặc nhiều vùng lõi, đó là các khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động giám sát, nghiên cứu, giáo dục, tác động tối thiểu tới các hệ sinh thái. Các vùng đệm thường bao quanh vùng lõi, phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững sinh thái, như du lịch môi trường, giáo dục môi trường. Vùng chuyển tiếp phía ngoài cùng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nông nghiệp bền vững, nơi gặp gỡ và cùng làm việc của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các thành phần kinh doanh, hoạt động văn hóa..., nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi. Mặc dù được cấu trúc theo vòng đồng tâm nhưng kích thước và bố cục rất mềm dẻo và đa dạng, tùy thuộc vào tình hình địa phương. Ý tưởng xây dựng khu dự trữ sinh quyển nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Các khu dự trữ sinh quyển là địa điểm lý tưởng để thực hiện giáo dục vì phát triển bền vững với các lý do sau đây:
Là nơi trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những ý kiến liên quan đến chính sách giáo dục vì phát triển bền vững. Những đề xuất này phản ánh kinh nghiệm và những thách thức của địa phương.
Là nơi cung cấp một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, những ưu điểm và hạn chế trong giáo dục vì phát triển bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển góp phần đảm bảo các nhân tố bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, được lồng ghép đầy đủ vào quá trình lập kế hoạch và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Góp phần xây dựng các ưu tiên của địa phương và quốc gia về giáo dục vì phát triển bền vững và đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng ngân sách.
Tạo điều kiện cho việc lồng ghép giáo dục vì phát triển bền vững vào các chính sách giáo dục của địa phương, quá trình lập kế hoạch giáo dục cho mọi người trong thập kỷ tri thức.
Cùng các nhà khoa học, các nhà giáo dục xác định những vấn đề nghiên cứu trong giáo dục vì phát triển bền vững và lập kế hoạch cho các dự án hợp tác nghiên cứu.
Góp phần phát triển các chỉ số giám sát phù hợp cho giáo dục vì phát triển bền vững.
Xây dựng các chương trình, sự kiện và các diễn đàn quốc gia về giáo dục vì phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là một công việc phức tạp và có mối quan hệ với mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các khu dự trữ sinh quyển tạo ra những cơ hội ứng dụng những nguyên tắc phát triền bền vững vào cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời giúp họ hiểu được những tác động mà hành vi và thái độ của mình có thể gây ra. Các khu dự trữ sinh quyển sẽ góp phần thực hiện 15 nội dung cơ bản của giáo dục vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là các nội dung về môi trường; thể hiện mối quan hệ với các vấn đề bảo tồn thiên nhiên và kinh tế, xã hội, giúp cho người học có thể áp dụng những phương pháp mới trong bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới, những thứ thiết yếu cho sự phát triển và sống còn của con người. Các khu dự trữ sinh quyển còn góp phần nâng cao nhận thức về nhu cầu cần phải có sự thống nhất toàn cầu và cần phải có những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu những nguy hại đối với bầu khí quyển và kiểm soát những tác động có hại của hiện tượng biến đổi khí hậu. Giáo dục vì phát triển bền vững chính là phương tiện chủ chốt của quá trình vận động toàn cầu.
Chuyển đối cơ cấu nông nghiệp nông thôn: Các hoạt động giáo dục ở khu dự trữ sinh quyển đều gắn với những nhu cầu cụ thể về kỹ năng và năng lực nắm bắt các cơ hội kinh tế, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nông thôn. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu nạn thất học, bỏ học, mù chữ và bất bình đẳng giới trong giáo dục, có tỷ lệ rất cao tại các vùng nông thôn, cũng tương tự như tỷ lệ đói nghèo. Sự mất cân đối giữa thành thị và nông thôn về đầu tư cho giáo dục, về chất lượng dạy và học đang ngày một lớn và cần được điều chỉnh. Việc phát triển các khu dự trữ sinh quyển sẽ giảm bớt sự căng thẳng của các thành phố đang đối diện với những thay đổi kinh tế-xã hội toàn cầu như toàn cầu hóa, làm tăng vị thế của các thành phố đối với phát triển bền vững. Theo đó, các thành phố không chỉ đối mặt với những đe dọa tiềm tàng của phát triển bền vững, mà còn nắm bắt những cơ hội đầy hứa hẹn trong thực hiện tiến bộ kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường ở địa phương, quốc gia và quốc tế.
Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: Các khu dự trữ sinh quyển góp phần giảm nhẹ thiên tai ở những nơi mà cộng đồng dân cư đang phải gánh chịu hay bị đe dọa. Các kinh nghiệm và chương trình trước đây cho thấy những tác động hết sức to lớn và tích cực của giáo dục đối với việc giảm nhẹ nguy cơ thảm họa, thiên tai. Khu dự trữ sinh quyển mang lại một tư duy mới về khoa học bảo tồn, nó không chỉ cho thấy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực đó, mà còn thể hiện cách làm sao cho hài hòa, đáp ứng những nhu cầu xã hội tiến tới một tương lai bền vững.
Các vùng lõi và vùng đệm của các khu dự trữ sinh quyển đang được xem như các phòng thí nghiệm sống về đa dạng sinh học cho các vùng địa lý sinh học chính trong nước và quốc tế. Các khu dự trữ sinh quyển đang góp một phần quan trọng trong sự cân bằng sinh thái, như hạn chế xói lở, làm cho đất đai màu mỡ, điều hòa khí hậu, hoàn thiện các chu trình dinh dưỡng, hạn chế ô nhiễm nước và không khí và còn nhiều chức năng khác nữa. Mỗi khu dự trữ sinh quyển là địa điểm lý tưởng cho các đề tài nghiên cứu về cấu trúc và động thái các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là ở các vùng lõi, tạo điều kiện cho việc so sánh các hệ sinh thái tự nhiên với các hệ sinh thái bị biến đổi do các tác động của con người.
Người dân sống trong các khu dự trữ sinh quyển vẫn được phép duy trì các hoạt động truyền thống của họ để tạo nguồn thu nhập hàng ngày qua việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật bền vững về môi trường và văn hóa. Các biện pháp kỹ thuật và canh tác truyền thống có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật bản địa, đó chính là kho lưu trữ nguồn vốn gen di truyền phục vụ cho công tác chọn giống và di sản truyền cho các thế hệ mai sau.
Các khu dự trữ sinh quyển đang tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức về phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên. Mục đích chính của các khu dự trữ sinh quyển là nghiên cứu và tìm ra các giải pháp sử dụng đất, giúp cho việc nâng cao mức sống cho người dân mà không gây hại đến môi trường. Các khu dự trữ sinh quyển cũng là nơi chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ở các quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời, các khu dự trữ sinh quyển đang tạo điều kiện cho việc hợp tác để giải quyết các vấn đề trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.
KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN – “PHÒNG THÍ NGHIỆM HỌC TẬP” CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Khái niệm “phòng thí nghiệm học tập” cho phát triển bền vững được nêu ra tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 19 (10/2006) của Hội đồng Điều phối Quốc tế (ICC) các khu DTSQ của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB). Đây là một cách nói ẩn dụ. Nếu coi khu DTSQ là “phòng thí nghiệm” thì các ý tưởng kết hợp hài hòa “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn” là các “chất thí nghiệm”.
Các ý tưởng bảo tồn tốt vùng lõi là các vườn quốc gia, khu di sản, công viên địa chất hay các khu bảo tồn thiên nhiên sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về cội nguồn… Ngược lại, các hoạt động kinh tế ở các vùng đệm và chuyển tiếp sẽ tạo điều kiện nâng cao mức sống cho người dân, chất lượng cuộc sống được cải thiện, ý thức trách nhiệm được nâng cao, sẽ tạo ra các nguồn thu từ phí và thuế môi trường, với việc đóng góp nghiêm túc và đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho bảo tồn hiệu quả.
Những nội dung cơ bản của phát triển bền vững cũng được thực hiện và rút kinh nghiệm cách làm và tính hiệu quả trong các khu DTSQ, nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển bền vững về mặt kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường:
Phát triển bền vững về môi trường: Song song với việc bảo tồn nghiêm ngặt ở các vùng lõi, cần có chính sách và hướng dẫn khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ tính đa dạng sinh học.
Phát triển bền vững về kinh tế với việc đầu tư có hiệu quả ở vùng đệm, vùng chuyển tiếp và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong một thời gian dài.
Phát triển bền vững về văn hóa - xã hội: gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, xóa đói giảm ghèo, tăng phúc lợi xã hội, duy trì công bằng xã hội, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Ba mặt trên đây có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau và tác động lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng của khu dự trữ sinh quyển. Do đó, tùy theo điều kiện cụ thể và trong từng thời điểm nhất định, có thể ưu tiên mặt này hay mặt kia, nhưng phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa ba mặt đó trong mỗi thời kỳ và trong suốt quá trình phát triển theo yêu cầu của phát triển bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển đang là mô hình phát triển bền vững trong các nước phát triển như CHLB Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Mặc dù nước ta mới hội nhập mạng lưới các khu DTSQ thế giới trong một vài năm, nhưng chúng ta sẽ “đi tắt, đón đầu”, áp dụng những ý tưởng tiên tiến, cách tiếp cận hiệu quả để góp phần xây dựng các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam như những mô hình phát triển bền vững trong tương lai.
Đặc biệt tại Việt Nam có 6 khu dự trữ sinh quyển nằm tại vùng ven biển và hải đảo, phân bố khá đều trên 3 miền Bắc Trung Nam.
Tại các khu dự trữ sinh quyển đã thực hiện rất tốt các nội dung về kinh tế - xã hội – môi trường, nên cần xem xét gia tăng các khu tại vùng ven biển và hải đảo:
Môi trường: Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên (nước, năng lượng, nông nghiệp và đa dạng sinh học); kiểm soát các tác động có hại của thay đổi khí hậu; phát triển nông thôn bền vững; đô thị hóa bền vững; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Kinh tế: Giảm nghèo; nâng cao tinh thần và trách nhiệm tập thể trong các hoạt động kinh tế, thương mại; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo đảm công bằng xã hội.
Văn hóa - xã hội: Tôn trọng các quyền của con người; xây dựng và duy trì hòa bình và an ninh; thúc đẩy bình đẳng giới; bảo vệ sự đa dạng văn hóa; tăng cường sức khỏe; phòng chống HIV/AIDS; xây dựng thể chế rõ ràng, minh bạch.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hoàng Trí, 2012. Khu dự trữ sinh quyển-“Phòng thí nghiệm học tập” cho phát triển bền vững. Kỷ yếu hội thảo quốc gia “Đất ngập nước và BĐKH”, CRES, VNU. 46-55
2. MAB, 2013. Mạng lưới các khu sinh quyển thế giới của Việt Nam. Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB).
3.Dư Văn Toán, 2010. Danh hiệu địa lý các vùng biển và hải đảo Việt Nam về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia lần thứ II “Môi trường và phát triển bền vững”. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
|
Dư Văn Toán
(Tạp chí Du lịch)