Đó là câu chuyện thực sự gây ấn tượng với chúng tôi khi ra thăm đảo cù cao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Dán nhãn cho cua
Khi đi bắt cua tại ghềnh đá Hòn Mồ, lão ngư Trần Công ở thôn Bãi Làng không quên mang theo cái thước làm bằng nang mực. Ông cho biết, nếu bắt cua không đúng kích cỡ, ông sẽ bị phạt. Theo quy định chiều ngang của mai cua bắt về không được nhỏ hơn 7cm, cũng không được bắt cua đang mang trứng.
Điều đáng nói, cả 18 thành viên trong tổ đều là những người khai thác cua đá chuyên nghiệp trên cụm đảo này, cùng tự nguyện tham gia và thực hiện quy ước khai thác, bảo vệ theo sự đồng thuận của cộng đồng. Vì thế, vào mùa năm nay, các thành viên hết sức thận trọng khi khai thác. Họ chọn lựa cua đúng tiêu chuẩn để bắt, nếu không sẽ bị trừ vào lượng cua được quyền khai thác trong tháng. Bởi mỗi tháng, họ chỉ được cấp phép bắt một số lượng cua nhất định, tương ứng với số lượng nhãn sinh thái được phát ra. Ngoài ra, nếu không dán nhãn sinh thái, cua đá sẽ không được bày bán cho du khách trên đảo. Nơi bán cua nào cũng ghi dòng chữ: “Cua đá không dán nhãn là cua đá bất hợp pháp”
Ngân hàng cua đá
Một thời, cua đá cù lao Chàm bị săn bắt và tiêu thụ ào ạt dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ mới qua 1 năm thực hiện với việc ra đời Tổ khai thác và bảo vệ cua đá cù lao Chàm cùng những quy định chặt chẽ, việc quản lý khai thác loài đặc sản nổi tiếng này trên đảo cù lao Chàm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng cua đá khai thác ít, đúng mùa vụ nhưng thu nhập của cộng đồng luôn đảm bảo do giá bán được nâng cao. Hiện 1kg cua đá có giá từ 500 ngàn đồng trở lên.
Được biết, dọc theo các vùng biển đảo miền Trung, nhiều nơi vẫn có cua đá, như ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)... Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu với cách bảo vệ, bảo tồn riêng như con cua đá cù lao Chàm, là cả một quá trình vận động không hề đơn giản của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển cù lao Chàm cùng chính quyền địa phương. TS Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển cù lao Chàm cho biết: Sau nhiều năm vận động, công tác truyền thông đã được phát huy, cả cộng đồng cùng hưởng ứng, nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, người dân và cả du khách được nâng cao”. Khu Bảo tồn biển cù lao Chàm đã thành lập “Ngân hàng cua đá” (Crab bank) để lồng ghép các hoạt động như: thành lập hội những người chuyên bắt và yêu thích cua đá; xây dựng hương ước cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững; phân vùng sinh thái cua đá, chọn một hòn đảo có sinh cảnh thích hợp, thuận tiện để xây dựng. Bên cạnh đó, còn xây dựng bộ chỉ số giám sát cua đá và thực hiện việc giám sát hàng ngày trong mùa khai thác; dán nhãn sinh thái đối với cua đá được bán trên đảo để điều chỉnh việc khai thác; truyền thông cộng đồng về bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá đồng thời hỗ trợ nghiên cứu thu thập thông tin làm rõ thêm đặc tính sinh học, sinh thái của cua đá cù lao Chàm và đúc kết kinh nghiệm, xây dựng báo cáo, nhân rộng mô hình.
Hiện nay, không có tình trạng bắt cua đá lén lút. Chính quyền cũng xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Thậm chí trong cộng đồng người dân cũng đã hình thành ý thức là không ăn những con cua đá quá nhỏ.
Từ bảo tồn cua đá đến phát triển du lịch bền vững
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tấn Dũng - Bí Thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp cho biết, từ khi khu dự trữ sinh quyển thế giới cù lao Chàm được công nhận, du lịch nơi đây phát triển rất mạnh. Sự phát triển này đặt ra cho chính quyền địa phương bài toán là làm như thế nào để bảo vệ đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển, đồng thời tạo điều kiện cho ngành kinh tế du lịch của xã đảo phát triển. TP. Hội An đang nghiên cứu giúp xã đảo Tân Hiệp bảo tồn đa dạng sinh học, lập danh mục các loài vật có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt để từng bước bảo tồn, có chính sách khai thác phù hợp, tránh phá vỡ hệ sinh thái”.
Để khai thác hợp lý di sản thiên nhiên của vùng biển đảo này, TP. Hội An đã đề ra chương trình phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với định hướng phát triển du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, cù lao Chàm đón khoảng 200.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm, doanh thu năm 2015 khoảng từ 60 đến 62 tỷ đồng, đến năm 2020 là 120 tỷ đồng.
Trở lại với con cua đá dán nhãn sinh thái tại cù lao Chàm, có thể nói đây là một việc làm cho thấy định hướng đúng của chính quyền địa phương. Một khi đa dạng sinh học được bảo tồn và khai thác đúng mức, những giá trị vô giá của khu dữ trữ sinh quyển thế giới mới được phát huy, làm cơ sở nền tảng để xây dựng những sản phẩm du lịch bền vững cho Hội An, trong đó, cù lao Chàm là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Cua đá - tên khoa học là Gecarcoidea lalandii - có màu tím sẫm, chân dài. Cua đá phân bố tại 6/8 hòn đảo tại cù lao Chàm, tập trung nhiều nhất tại khu vực hòn Lao. Vào mùa sinh sản của cua đá cù lao Chàm (từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 9 dương lịch), chúng di chuyển xuống các bãi đá, vách đá gần mép nước biển để đẻ trứng vào ban đêm.
|
Trần Tuấn
Thúy Hằng
(Tạp chí Du lịch)