Xem xét các lĩnh vực trên, có thể nhận thấy những cơ hội và thách thức đối với Du lịch Việt Nam.
Đẩy mạnh các chương trình du lịch liên kết ASEAN thông qua liên kết sản phẩm và marketing du lịch chung
Về các chương trình du lịch liên kết ASEAN, 130 sản phẩm du lịch ASEAN đã được các quốc gia xây dựng theo các nhóm chuyên đề: du lịch thiên nhiên; du lịch văn hóa và di sản; du lịch cộng đồng; du lịch đường biển và đường sông”. Tuy nhiên, những sản phẩm này phần lớn có sự trùng lặp và có tính cạnh tranh cao giữa các nước. Có thể lấy ví dụ: về loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia, bởi các bãi biễn của các nước đều giống nhau về thời vụ, về ánh nắng mặt trời, về cát trắng, về nước biển trong xanh, nhưng dịch vụ ngoài tắm biển cũng như chất lượng dịch vụ chúng ta chưa bằng họ. Với loại hình du lịch đường biển và đường sông, nếu Việt Nam có chiến lược phát triển sẽ đem lại kết quả liên kết rất cao. Về đường biển, có thể liên kết với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Brunei với những tàu du lịch tham quan trên biển và các bến cảng là điểm đến du lịch nổi tiếng. Về đường sông, từ năm 1993 dự án ADB đã tài trợ xây dựng và phát triển du lịch dọc sông Mê Kông với 2 loại hình du lịch cơ bản là: du lịch qua 6 nước trên sông Mê Kông và du lịch văn hóa. Vấn đề ở chỗ ai sẽ là người thực hiện, phải chăng đó là các doanh nghiệp lữ hành? Nếu so sánh các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam với các doanh nghiệp lữ hành của một số nước ASEAN, thì doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập ngày 8/8/1967 với mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài.
|
Xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN và quy trình chứng nhận đối với sản phẩm/dịch vụ du lịch.
Đối với các tiêu chuẩn du lịch chung ASEAN, đến nay các nước đã thống nhất về tiêu chuẩn và hướng dẫn thẩm định đối với tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cơ sở lưu trú nhà dân ASEAN, nhà vệ sinh công cộng ASEAN, dịch vụ Spa ASEAN và tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế thực hiện đối với tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN. Hiện nay, các nước đang xây dựng tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hướng dẫn an ninh, an toàn du lịch ASEAN cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và lộ trình du lịch ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, ngành Du lịch đã tiến hành thẩm định và xếp hạng khách sạn với tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, còn các tiêu chuẩn khác chưa được nghiên cứu và áp dụng. Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Du lịch là “Xây dựng nhà vệ sinh công cộng chuẩn tại các điểm du lịch”, nhưng đến nay vẫn chưa có tổng kết và đối chiếu với tiêu chuẩn “nhà vệ sinh công cộng ASEAN” để hội nhập. Đó là chưa kể đến các tiêu chuẩn khác mà Việt Nam chưa bắt tay vào nghiên cứu để triển khai.
Thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch.
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch (MRA-TP) sẽ chính thức có hiệu lực trong cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, cho phép dịch chuyển lao động trong ngành Du lịch thuộc khối ASEAN. Có thể nói, đây là một thách thức rất lớn không chỉ đối với ngành Du lịch mà cả các cơ sở đào tạo du lịch và lực lượng học sinh, sinh viên đang học. Đối với ngành Du lịch, hiện đang thiếu lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân sự cấp cao. Có một thực tế, hầu hết các khách sạn và khu resort cao cấp đều thuê cán bộ quản lý của nước ngoài hoặc công ty quản lý nước ngoài. Lương của đội ngũ nhân sự này gấp 50 lần của những nhân viên bình thường.
Đối với các cơ sở đào tạo du lịch, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên, học sinh của các trường còn hạn chế về ngoại ngữ, giao tiếp, ý thức trách nhiệm đối với khách và công việc. Vì thế, vấn đề cạnh tranh trên thị trường lao động du lịch Việt Nam sẽ trở lên gay gắt.
Giải quyết vấn đề này không chỉ ngày một, ngày hai mà cần một thời gian dài và đòi hỏi phải có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm hội nhập với khu vực và quốc tế. Trong thời gian qua, với sự giúp đỡ của Dự án EU – ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Sách hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với các nghề du lịch ASEAN.
Năm 2015, cộng đồng ASEAN bắt đầu triển khai thực hiện, ngành Du lịch vẫn còn nhiều việc cần làm để hội nhập. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo…
TS. Trịnh Xuân Dũng