Khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học
Khu BTTN Xuân Liên nổi tiếng với khu hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Ngoài những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi được ghi vào sách đỏ, rừng nguyên sinh Xuân Liên còn có nhiều loài phong lan rực rỡ và hàng trăm loại cây dược liệu quý khác.
Hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 1.142 loài, 620 chi và 180 họ. Trong đó, ngành mộc lan đa dạng nhất, chiếm 87,3% tổng số loài của khu vực nghiên cứu. Trong kết quả nghiên cứu hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 3 loài mới cho khu hệ thực vật Việt Nam.
Khu BTTN Xuân Liên ghi nhận 80 loài thú thuộc 26 họ, 9 bộ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê cho thấy, Khu BTTN Xuân Liên có 192 loài chim thuộc 41 họ, 15 bộ. Tại đây, có 41 loài bò sát thuộc 11 họ, 2 bộ. Đáng chú ý, có 12 loài là ghi nhận mới cho Khu BTTN và tỉnh Thanh Hóa... Về các loài lưỡng cư, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê ở Khu BTTN Xuân Liên có 36 loài thuộc 7 họ, 2 bộ. Trong đó có 9 loài ghi nhận mới cho tỉnh Thanh Hóa…
Bên cạnh giá trị nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên mặt nước ở đây cũng là một loại hình tài nguyên du lịch quý giá, có sức hấp dẫn du lịch rất lớn. Điển hình là hồ Cửa Đạt có diện tích mặt nước 2.828,6 ha, gắn với Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt và là một trong những hồ nước lớn ở Việt Nam. Đồng thời, có nhiều cửa sông, suối đổ ra lòng hồ với nhiều thác nước tự nhiên đẹp.
Tài nguyên du lịch mặt nước này là tiềm năng vô tận đối với các hoạt động vui chơi giải trí, thư giãn và có sức hấp dẫn du lịch rất lớn. Trong vùng có rất nhiều điểm thác nước đẹp, là những thắng cảnh tự nhiên có giá trị chưa được khai thác như: thác 7 tầng, thác Tiên, thác Tạt mú-Tạt mù... Trong số các thác này, có những thác có chiều cao tới 200m, chia thành nhiều bậc tạo thành những hình ảnh thiên nhiên rất thú vị.
Đồng bào dân tộc anh em sinh sống quanh khu bảo tồn chủ yếu là người Mường, Thái vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo, tốt đẹp... Tất cả các yếu tố tài nguyên tự nhiên và nhân văn giàu giá trị sẽ là cơ sở cho việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã lập danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát đa dạng sinh học bằng công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.
Thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển khu bảo tồn
Nhằm bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án thực hiện trên toàn bộ diện tích 23.815,5ha thuộc Khu BTTN Xuân Liên. Cụ thể, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút trên 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 16.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 25.300 triệu đồng. Đến năm 2030, thu hút trên 110.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 48.500 lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 83.250 triệu đồng.
Để phục vụ hoạt động du lịch, một số công trình cần được đầu tư xây dựng, gồm: Trung tâm du khách; Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Điểm cứu hộ động vật hoang dã Sông Khao; Điểm nghỉ dưỡng cao cấp; Khu trình diễn mô hình rừng; Điểm Hón Can; Điểm thác Hón Yên; Điểm thác Thiên Thủy; Đỉnh Pù Gió; Rừng nguyên sinh - bản Vịn.
Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực. Xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên.
Đề án được UBND tỉnh phê duyệt là bước ngoặt tạo cơ chế để Khu BTTN Xuân Liên kêu gọi thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng; bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.
Lan Phương