Hiện nay, Hà Nội có 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm và 63 làng nghề không gây ô nhiễm. Trong đó khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn…
Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm; dệt; nhuộm; tái chế, gia công cơ kim khí…
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…
Cùng với đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm; lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; kinh phí sự nghiệp dành cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Theo đó, đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được triển khai theo từng giai đoạn, ở giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phân loại làng nghề và thực hiện xử lý ô nhiễm tại những làng nghề truyền thống chưa có phương án bảo vệ môi trường; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...
Theo kế hoạch đặt ra, Hà Nội sẽ tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp tập trung, phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 159 cụm công nghiệp làng nghề, bảo đảm các làng nghề gây ô nhiễm được di dời sẽ đi vào hoạt động.
Cũng trong giai đoạn này, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
Để thành phố Hà Nội sớm đạt được mục tiêu đề ra trong bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngoài cơ chế, chính sách, sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như sự nỗ lực của chính quyền các cấp thì việc cộng đồng, người dân làng nghề cũng phải có ý thức, cùng chung tay hành động giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
PV