Thú chơi độc hại
Tại một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh..., một bộ phận thanh thiếu niên có phong trào hít các dung môi hữu cơ trong các loại keo dán gỗ, nhựa, kim loại. Các đối tượng mua các loại ống keo dán được bán ở nhiều nơi với giá thành thấp, sau đó biến thành những thứ “đồ chơi” bằng cách đổ ra túi ni lông rồi đưa lên mũi để hít. Các em ở độ tuổi từ 9 – 18 tuổi rất dễ bị lôi kéo vào những thú chơi này, dẫn đến bỏ bê sách vở trường lớp để ngồi cả ngày để “chơi” cùng các bạn, các anh lớn tuổi hơn.
Một kiểu chơi thường gặp khác ở giới trẻ là “hút cỏ”. “Cỏ” được các “dân chơi” biến thể thành nhiều tên gọi khác nhau như pin, cỏ Ca hay thuốc lào Canada… Các loại “cỏ” này được chế biến dưới dạng sợi thuốc gói trong túi ni lông hoặc ép thành dạng bánh để dân chơi xắt ra, bóp vụn rồi quấn vào giấy để hút gần giống như hút thuốc lá. Các loại “cỏ” này được mua bán với giá thành khá cao nên thường phổ biến ở các khu vực thành thị phát triển.
“Hút shisha” cũng đang là một thú chơi được giới trẻ ở nhiều địa phương ưa chuộng. Đây là kiểu hút thuốc bắt nguồn từ Ấn Độ, đã lan ra và trở nên phổ biến ở nhiều nước Trung Đông, Bắc Mỹ, châu Âu… Shisha là loại hình mà người sử dụng hút thuốc qua một ống nước được nối vào bình, trong đó những loại thảo mộc tạo mùi thơm được đốt cách nhiệt. Thú tiêu khiển này du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây một cách tràn lan, nhiều nơi biến tướng shisha bằng việc kết hợp hút với cần sa hoặc pha thêm rượu mạnh thay nước đun để tăng độ “phê”.
![](/FileManager//uploads/images/Nam2013/10-2013/Presentation1(1).jpg)
“Cỏ” trá hình thành điếu thuốc
Hậu quả khôn lường
Theo kết quả phân tích, các loại keo mà giới trẻ sử dụng bằng cách hít chứa nhiều loại dung môi hữu cơ khác nhau, trong đó có 3 loại rất độc hại với sức khỏe là methylene chloride (hàm lượng 12,95%), ethyl acetate (6,20%) và toluene (77,11%). Ngoài ra còn nhiều hóa chất độc hại khác nhưng ở hàm lượng thấp hơn các loại trên như xylene, benzene, butyl acetate, ethyl cyclopentane... Việc hít các chất này sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe như gây trầm cảm, ức chế hô hấp, rối loạn nhịp tim và nhiều ảnh hưởng xấu khác; nếu kéo dài có thể dẫn đến bệnh ung thư.
“Hút cỏ” là một thú chơi cũng có thể gây nghiện tương tự các loại ma túy khác. Chơi “cỏ” nhiều sẽ dẫn đến những thương tổn ở tế bào não, làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức và mất khả năng tập trung.
Shisha nguy hiểm hơn thuốc lá
Khác với các loại chất gây nghiện như heroin, thuốc phiện, thuốc lắc… shisha có thành phần chính là các loại thảo dược; chính vì vậy theo quan niệm của nhiều dân chơi, loại hình này không gây nghiện và không nguy hại. Ngoài ra, hút Shisha là một thú tiêu khiển phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và cũng không nằm trong danh mục hàng cấm tại Việt Nam, dẫn đến việc giới trẻ hút shisha một cách công khai, tràn lan và đôi khi mất kiểm soát.
Qua một số nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới WHO và Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 – 200 lần lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotin so với hút một điếu thuốc lá. Hàm lượng CO cao sẽ dẫn đến tổn thương não và bất tỉnh. Khí CO còn làm giảm lượng oxy đến phổi và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hẹp mạch máu, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Bình nước trong shisha cũng như ống hút còn là nơi tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn có thể chứa các bệnh lây nhiễm như: lao, cúm, viêm gan… nhất là khi nhiều người sử dụng chung. Ngoài ra, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút. Tóm lại, khi hút shisha, nước dùng để lọc khói hoàn toàn không hiệu quả trong việc loại bỏ các chất độc hại và việc hút shisha cũng tàn phá sức khỏe giống thậm chí hơn nhiều lần hút thuốc lá.
PV