Nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và đồng hành của báo chí
Diễn đàn đề cập khó khăn của ngành Du lịch trong 2 năm dịch COVID-19, công tác tuyên truyền kích cầu du lịch trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời là nơi để doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và đề xuất những kiến nghị đến với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho rằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng kinh doanh, số lượng người đi du lịch giảm sút nghiêm trọng. Điều này buộc những người trong ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa.
Theo Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch Ngô Hải Dương, trong 2 năm đồng hành cùng du lịch trước tác động của dịch COVID-19, các cơ quan báo chí luôn dành sự quan tâm trong việc truyền thông để thúc đẩy du lịch phát triển, phù hợp với từng diễn biến dịch.
Không chỉ góp phần tuyên truyền chiến lược thúc đẩy du lịch nội địa với phương châm “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, các cơ quan báo chí cũng thường xuyên cập nhật thông tin, chính sách và các giải pháp phục hồi du lịch của các nước khác trên thế giới, để tạo động lực và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong việc phục hồi thị trường nội địa và quốc tế.
Đề cập đến sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã khiến ngành Du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Mặc dù đã rất nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành vẫn sụt giảm nghiêm trọng… Nhằm tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch, đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông điểm đến du lịch an toàn; cùng với đó là cơ chế chính sách hoàn thuế, giảm thuế, miễn phí cho các doanh nghiệp vận tải du lịch… Để thực hiện khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam sau dịch, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ.... Du lịch sẽ tập trung công tác xúc tiến truyền thông điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch cũng như tăng cường liên kết hợp tác để phát triển du lịch nội địa… Đây là thời điểm phù hợp để các đơn vị, doanh nghiệp cùng "ngồi lại", đánh giá "sức khỏe" của ngành, của doanh nghiệp cũng như định hướng lại thị trường nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường du lịch, từng bước đưa Du lịch Việt Nam trở lại thời "hoàng kim" như trước khi diễn ra COVID-19.
Tăng cường kết nối báo chí cùng doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch
Tại diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch tại các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh… đều khẳng định vai trò của báo chí, truyền thông trong việc đồng hành phát triển du lịch thời gian qua. Từ giữa tháng 11/2021, Việt Nam thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tại Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…, sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan báo chí với nhiều hình thức quảng bá phong phú, hiện đại đã góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, chất lượng và an toàn tới du khách trong và ngoài nước.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu mong muốn, thời gian tới, các cơ quan báo chí tăng cường liên kết hơn để việc quảng bá, tuyên truyền hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao.
Theo TS. Nguyễn Hồng Hà - Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam, trong xu thế hội nhập để tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam một cách hiệu quả cần có những phương thức truyền thông mới trong ngành Du lịch. Đồng thời, cần có sự chia sẻ hình ảnh, video, clip giữa các cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông du lịch tốt nhất...
Trao đổi tại diễn đàn, Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, ngày nay xu hướng sử dụng công nghệ ứng dụng 4.0 đang ngày càng phổ biến, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư tài chính, công nghệ, nhân sự chuyên nghiệp để đón đầu xu thế. Mặt khác, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương cùng truyền thông quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương nhằm kích cầu du lịch trở lại.
Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất các doanh nghiệp du lịch lữ hành đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông du lịch tốt hơn. Ông Trương Quốc Hùng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành sẽ được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng tốt hơn, dễ dàng hơn, qua đó giúp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp tái đào tạo và tuyển mới nguồn nhân lực để đáp ứng trong điều kiện mở cửa du lịch và thích ứng với COVID-19.
Tuấn Sơn