Hiện nay, bánh tét có mặt trong các ngày lễ hội, đình đám, giỗ, cưới... Có thể nói đây là món ăn truyền thống được người dân Nam bộ ưa thích. Bà con Việt kiều sống xa quê cũng làm bánh tét để tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên.
Các bà, các mẹ năm hết Tết đến đều phải tự giới thiệu nồi bánh tét ăn vừa ngon lại có không khí xuân trong nhà chứ không mua bánh sẵn ở chợ.
Bánh tét Trà Cuôn
Trà Vinh có bánh tét ngon nổi tiếng, đặc biệt có một nơi bánh tét “danh bất hư truyền” là ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, với 8 cơ sở sản xuất.
Bánh tét Trà Cuôn có nhiều màu sắc nhưng đều làm từ lá cây thơm ngon, dẻo. Giá mỗi đòn 13.000đồng.
Những người gói bánh tét ở đây đều chọn nguyên liệu chất lượng cao để làm bánh: nếp sáp, thịt ba rọi, trứng vịt, đậu xanh. Cách làm cũng khá công phu. Nếp sáp đem vo kỹ, để cho ráo nước rồi giã lá bù ngót, vắt lấy nước trộn vào, ướp muối, đậu xanh xay vỡ đãi vỏ trộn với thịt ba rọi cắt dài làm nhân. Bánh gói bằng lá chuối buộc dây lạt, cứ 10kg nếp gói được 20 đòn bánh tét. Một nồi nấu được 70 đòn bánh nhỏ, 50 đòn bánh lớn. Mỗi dịp Tết đến, xóm làm bánh tét Trà Cuôn cung ứng cho thị trường trong và ngoài Tỉnh vài chục ngàn đòn bánh.
Bánh tét bến Ninh Kiều
Bánh tét Bến Ninh Kiều được gói bằng nhân thịt mỡ, đậu xanh và trứng vịt muối, mỗi đòn bánh tét giá 15.000-30.000 đồng. Nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh mỗi lần đi ngang qua đều mua bánh tét bến Ninh Kiều về làm quà. Mỗi ngày, nơi đây tiêu thụ chí ít cũng vài trăm đòn bánh và phải đặt trước mới có đủ hàng phục vụ.
Muốn ăn bánh tét, sau khi tháo dây cột, phải từ từ lột lá chuối rồi dùng một sợi dây đã gói bánh, miệng cắn một đầu, tay phải cầm một đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã bóc, cắt tét từng khoanh một đặt lên đĩa. Mùi nhân bánh pha lẫn hương nếp mới chín thơm ngào ngạt, chưa ăn đã thấy thèm.
NGUYỄN HÀ PHƯƠNG