Bánh cáy làng Nguyễn...

Người làng Nguyễn lấy làm hãnh diện khi thấy thứ bánh đặc sản của họ được theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước, gần đây lại bày bán ở nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài. Ai đã thưởng thức bánh cáy đều khó có thể quên được dư vị ngọt mát của đường pha chút cay dịu của gừng và ngầy ngậy của lạc, vừng... Nhất là trong không khí rét ngọt của những ngày đông cuối năm, sẽ thật thú vị khi nhâm nhi miếng bánh cáy nho nhỏ cùng với chén trà nóng ướp hoa ngâu hay hoa nhài thơm ngát...
Từ TP. Thái Bình, đi dọc theo quốc lộ 10 khoảng 8km đến phố huyện Đông Hưng, sau đó rẽ tay trái theo đường đi Hưng Yên, ta sẽ dễ dàng nhận ra làng Nguyễn, quê hương của bánh cáy. Dịp cuối năm là mùa làm ăn của làng, nên các cửa hiệu trong làng đều trang trí lại sao cho bắt mắt hơn. Không khí trong làng cũng nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng nói cười, gọi hàng rộn rã, mùi thơm ngậy dậy lên từ các nguyên liệu làm bánh cáy thật hấp dẫn.
Cả xã chỉ có một làng với gần 2000 hộ dân, thì có chừng 40% số hộ dân làm bánh cáy. Có những cơ sở và làm nghề từ nhiều đời nay, được bà con tín nhiệm như Dân Liên, Xuân Thông, Nguyễn Bốn... Ngày thường, các nhà chỉ làm cầm chừng, mấy tháng giáp Tết, trung bình mỗi cơ sở cho ra lò khoảng từ vài chục cân đến hàng tạ bánh mỗi ngày. Không ít cơ sở phải thuê thêm người, làm đêm làm ngày mới đủ hàng giao cho khách.
Bánh cáy làm từ nếp cái hoa vàng (còn gọi là nếp quít), đường kính, nha, mỡ lợn, dừa, gấc, lạc, vừng... Để chuẩn bị cho mùa làm bánh Tết, tất cả đều được lựa chọn, thu mua, sơ chế và bảo quản từ trước đó hàng tháng; sau đó được phân loại hàng đặt hay hàng chợ, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Có những cơ sở sản xuất cầu kỳ còn tự tay gia đình chọn và cấy giống nếp quít để làm bánh. Để tạo màu cho bánh, nhất thiết phải dùng các nguyên liệu tự nhiên, như màu vàng từ quả dành dành, màu đỏ từ gấc, màu xanh từ lá mây... Ngoài ra, mỗi cơ sở lại có bí quyết riêng, nên nếu để ý kỹ, sẽ thấy mỗi hiệu bánh nổi tiếng có hương vị độc đáo, không trộn lẫn được. Kích thước bánh cáy hiện nay đã đa dạng theo yêu cầu của thị trường, tuy nhiên theo các bác nghệ nhân làm bánh lâu năm của làng, khuôn bánh cổ truyền có hình khối hộp chữ nhật (6cm x 6cm x 20cm) sẽ giữ được hương vị lâu nhất.
Từ lâu tôi cứ thầm thắc mắc về cái tên bình dị của thứ đặc sản quê nhà, nên quyết định tìm hiểu nguồn gốc cái tên đó. Theo các bậc cao tuổi ở làng, thì vào những năm cuối thế kỷ 18, cụ bà Nguyễn Thị Tần (còn gọi là cụ Đại, tương truyền là nhũ mẫu của công chúa Lê Ngọc Hân), chuẩn bị một thứ bánh để dâng vua. Chưa nghĩ ra tên đặt cho bánh, bà đi biển và bắt gặp một con cáy (tên gọi một loài cua ở địa phương) đang ôm trong bụng bầy con... Khi về bà bèn đặt tên cho thứ bánh vừa làm là bánh cáy.
Mấy năm gần đây số cơ sở làm bánh cáy mới mọc lên ngày càng nhiều. Thị trường như một cái sàng tự nhiên, những cơ sở làm ăn lâu năm giữ được chất lượng ổn định, có uy tín luôn luôn đắt hàng.
Mới hay, tấm bánh cáy thật mộc mạc và cũng thảo thơm, chung thủy như tấm lòng người dân làng Nguyễn vậy.
Ninh Bình