Từ xa xưa, ông bà ta đã dành gian chính để thờ tự. Gian chính là gian giữa của ngôi nhà ba gian, hai chái. Trước bàn thờ chính người ta đặt bộ tràng kỷ, vừa để tiếp khách quý vừa để ông bà ngồi chơi. Ngoài những ngày giỗ thì ba ngày tết là dịp để họ hàng, con cháu quy tụ về cúng bái tổ tiên. Đặc biệt là lễ rước ông bà trước Tết. Từ tờ mờ sáng, con hay cháu đích tôn kính cẩn bưng trầu, rượu ra phần mộ, nếu phần mộ xa quá thì đón ở cổng hay sông suối nơi ông bà cha mẹ mất, bái lạy mời về nhà. Cùng đi có hai người cầm hai cây mía tượng trưng cho cây gậy của ông bà. Vào nhà hai cây mía dựng hai bên bàn thờ chính rồi mới dâng hương, dâng lễ. Lễ gồm có hương hoa, vàng bạc áo giấy, mâm ngũ quả và cỗ. Sau đó tuần tự từ người trên xuống kẻ dưới vào lễ bái. Khi tuần hương đầu cháy hết hai phần ba thì gia chủ bái tạ, đốt áo giấy, xin cỗ. Mâm cỗ được chia thành mâm trên, mâm dưới. Mâm trên dành cho người lớn tuổi thuộc hàng cha mẹ, chú bác cô dì. Mâm dưới thuộc hàng con cháu. Mâm trên thường được bày trên giường hay phản, mâm dưới trải chiếu ra sàn nhà. Đây là dịp để con cái, dâu rể mời rượu cha mẹ, chú bác, cô dì.

Đến giao thừa, gia chủ dâng lên tiên tổ món bánh mứt ngon nhất mà nhà làm được, mở cặp bánh chưng, rót rượu mừng tuổi ông bà. Dùng nhang vòng thắp cho cháy suốt đêm. Ba ngày tết các gia đình đều cúng tổ tiên.
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt rất hệ trọng, tùy thuộc vào tâm linh của từng người nhưng người ta luôn hành xử theo cách sống của người tại thế. Đó là hiếu thảo, là tình thương yêu với người đã khuất.
Mâm cỗ giỗ hay mâm cỗ ngày tết luôn tạo cho gia đình không khí ấm cúng, thương yêu. Đó là dịp để sum họp, để bàn bạc những điều hệ trọng. Gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà ông bà ta đã gây dựng là trách nhiệm của chúng ta. Đó là cách thiết thực nhất để dạy dỗ con cái ta hiếu thảo, nên người.
Lý Thị Minh Châu