Khu vực mậu dịch tự do, là giai đoạn thấp nhất của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, các nền kinh tế thành viên tiến hành giảm và loại bỏ dần các hàng rào thuế quan, các hạn chế về định lượng và các biện pháp phi thuế quan trong phạm vị hoạt động thương mại nội khối, ví dụ: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA))...
Liên minh thuế quan, là giai đoạn tiếp theo trong quá trình hội nhập, cụ thể: Các thành viên ngoài việc bỏ thuế quan và các hạn chế về số lượng thương mại nội khối, phải cùng nhau thực hiện một chính sách thuế quan trọng đối với các nước ngoài khối. Ví dụ: Hiệp ước về mậu dịch tự do giữa các nước Bolivia, Ecuador, Peru, Venezulia (ANDEAN), Liên minh thuế quan giữa cộng đồng kinh tế châu Âu với Phần Lan, Áo, Thụy Điển, Liên minh thuế quan giữa Nga, Belarus, Kazakstan và mới đây Việt Nam là thành viên (VCUFTA).
Thị trường chung, là mô hình liên minh thuế quan cộng thêm việc bãi bỏ hạn chế đối với việc lưu chuyển của các yếu tố sản xuất khác. Trong một thị trường chung, hàng hóa, dịch vụ và hầu hết các nguồn lực khác (vốn, kỹ thuật, công nghệ, nhân công…) đều được tự do lưu chuyển giữa các thành viên, như Cộng đồng kinh tế châu Âu (EC) trước đây.
Liên minh kinh tế, là mô hình hội nhập ở giai đoạn cao, trong đó có cơ sở mô hình thị trường chung, phối hợp chính sách kinh tế giữa các thành viên như Liên minh châu Âu (EU) hiện tại.
Liên minh toàn diện, đây là giai đoạn cuối cùng, là cấp độ cao nhất của quá trình hội nhập. Trong đó, các thành viên thống nhất về mặt chính trị, về các lĩnh vực tài chính tiền tệ, thuế và các chính sách xã hội; quyền lực quốc gia được chuyển giao cho một cơ cấu cộng đồng. Đây như một kiểu Nhà nước liên bang.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam là một thành viên, vừa hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, và sẽ hoàn thành vào năm 2025, đây là cấp độ hội nhập thứ 3 trong tiến trình hội nhập quốc tế. Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur (Malaysia) là sự kiện mang tính lịch sử, công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Trong thời gian qua, hướng tới hội nhập khu vực, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vục phát triển du lịch, bên cạnh đó còn đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế. Đối với lĩnh vực du lịch trong khối ASEAN, từ năm 2009 Bộ trưởng Du lịch các quốc gia ASEAN nhân danh Chính phủ các nước đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) tại Hà Nội, nhân dịp Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2009). Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN gồm 6 nghiệp vụ: Lễ tân, Buồng, Bếp, Dịch vụ ăn uống, Đại lý du lịch và Điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề cụ thể. Trên cơ sở đó, giáo trình đào tạo nghề chung ASEAN cũng đã được xây dựng, liên kết chặt chẽ với khung trình độ ASEAN.
MRA-TP cho phép những người lao động du lịch Việt Nam có trình độ có thể ứng tuyển công việc ở các quốc gia thành viên ASEAN khác và các doanh nghiệp du lịch trong nước có thể tìm kiếm nhân viên có trình độ từ Cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp.
Thách thức trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch
Bên cạnh những lợi ích do hội nhập mang lại, MRA-TP cũng đang đặt ra trước các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạokhông ít thách thức.
Đối với các cơ quan quản lý, cần xây dựng được khung trình độ quốc gia về giáo dục và đào tạo để áp dụng cho lĩnh vực du lịch, đồng thời, gấp rút thống nhất, ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn nghề ASEAN đã ký kết và công nhận chung theo thỏa thuận MRA-TP. Hình thành mạng lưới các trung tâm thẩm định nghề du lịch theo quy định của pháp luật và phù hợp với ASEAN, xác lập hệ thống thẩm định viên đủ tiêu chuẩn trong nước và khu vực ASEAN để đảm bảo việc tham gia thẩm định cấp chứng chỉ theo quy định chung của khu vực, đảm bảo việc thừa nhận và công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về bằng cấp, chứng chỉ.
Đối với các cơ sở đào tạo, thách thức đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch là đầu ra của quá trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ, không đáp ứng được yêu cầu của dịch chuyển lao động trong ASEAN. Trong đó, việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo ASEAN trong lĩnh vực du lịch, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, giảng viên đảm bảo triển khai thực hiện được chương trình đào tạo, nâng cao được nhận thức của người học, đảm bảo đầu ra đáp ứng Tiêu chuẩn năng lực chung của ASEAN về nghiệp vụ du lịch (ACCSTP) là thách thức rất lớn. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc triển khai chương trình đào tạo mới, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên chưa cao, nhận thức về hội nhập trong tình hình mới còn hạn chế, việc chuẩn bị cho hội nhập chưa tốt.
Cần thực hiện một số giải pháp cấp bách
Thứ nhất, ở góc độ chung, Chính phủ cần thống nhất và ban hành khung trình độ quốc gia. Trong lĩnh vực du lịch việc thống nhất, hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch phù hợp với ASEAN cần được đẩy nhanh, đồng thời rà soát và điều chỉnh các chương trình đào tạo trong lĩnh vực du lịch cho phù hợp.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp cận các thỏa thuận về quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý giáo dục và đào tạo, thừa nhận và công nhận lẫn nhau về chứng chỉ, bằng cấp trong đào tạo khối ASEAN, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện. Đồng thời, cần triển khai hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở đào tạo tiếp cận các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, về ngành, nghề đào tạo hướng tới điều chỉnh chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu ASEAN.
Thứ ba, tăng cường các lớp tập huấn bồi dưỡng trong và ngoài nước cho cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên trình độ cao, giảng dạy bằng ngoại ngữ để có thể đảm nhận việc đào tạo cho sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập.
Thứ tư, các cơ sở đào tạo chủ động tiếp cận các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, về ngành, nghề đào tạo, công nhận về chứng chỉ, bằng cấp trong ASEAN, điều chỉnh chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo, tăng cường liên kết hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế, đảm bảo cho người học sau khi học xong có thể làm việc, phát huy khả năng trong nội khối các nước ASEAN, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đào tạo cho học sinh, sinh viên nước ngoài.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Hữu Nghĩa, Lê Ngọc Tường (Đồng chủ biên), Toàn cầu hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, 2004.
2. Bộ Thương mại, Kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, 2004
3. Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP).
PGS.TS. Lê Anh Tuấn
Tạp chí Du lịch