Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nhanh chóng trở lại vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; góp phần chuyển đổi Du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế số, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp lữ hành chuyển đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo phương châm “vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Du lịch Việt Nam trong những năm qua đã trở thành một hiện tượng của du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và hàng chục danh hiệu cao quý, tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành Du lịch. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp,… đã làm cho dịch vụ onlines trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, VISTA mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà Lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành về các nội dung nêu trên để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép. Các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng.
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền nhận định, với tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, lợi thế vị trí vùng và hệ thống kết nối giao thông đồng bộ, Hải Phòng đang từng bước trở thành một trong những trung tâm thu phát luồng khách du lịch của khu vực Duyên hải Đông Bắc nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung; đồng thời, có bước phát triển đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với sự có mặt của hàng loạt các nhà đầu tư chiến lược. Hải Phòng cũng tập trung đầu tư phát triển một số công trình, dự án có quy mô lớn, hiện đại; nâng cấp mở rộng, đưa vào sử dụng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo sức hấp dẫn, thu hút khách; góp phần hình thành thương hiệu và phát triển du lịch thành phố. Thông qua Diễn đàn này, thành phố Hải Phòng mong muốn Du lịch Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp du lịch trên cả nước cùng hợp tác, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, từng bước khôi phục và phát triển thị trường du lịch hậu Covid-19, trên cơ sở xây dựng và quảng bá thông điệp về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Hải Phòng cũng mong muốn được đồng hành trong các sự kiện du lịch quốc gia để lan tỏa và quảng bá hình ảnh du lịch thành phố...
Lữ hành Việt Nam - Giải pháp 2021
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch VISTA, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đại dịch đã ảnh hưởng và làm thay đổi mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động du lịch, xu hướng đi du lịch của khách đã thay đổi, trong đó du lịch bền vững sẽ là động lực; các cộng đồng nhỏ sẽ đóng một vai trò lớn hơn; du khách sẽ tìm đến chất lượng hơn là số lượng; du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh; tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn và xu hướng du lịch gần nhà ngày càng được nhiều du khách hưởng ứng. Việc đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong tình hình mới với phương châm “Linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp. Năm 2021, du lịch nội địa sẽ tiếp tục là thị trường du lịch chủ đạo trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, bên cạnh đó cần sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc nới lỏng đi lại trong khu vực và thế giới, khôi phục du lịch quốc tế trở lại. Do vậy, các doanh nghiệp lữ hành cần phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; chuyển đổi số trong lữ hành.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên vùng, liên ngành mang tính xã hội hóa cao. Do vậy, liên kết là nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch. Bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã để phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng, cũng như doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… Vì vậy, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông VISTA, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, năm 2021 xác định vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch thì vai trò của liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên: cơ quan quản lý điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ tại điểm đến, nhà vận chuyển (hàng không, tàu hỏa, ô tô…).
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vietnam Travelmart Cao Trí Dũng cho rằng, cần đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần phát triển chiến lược dựa trên các mục tiêu và chiến lược truyền thông của điểm đến đồng thời truyền đi thông điệp về xu hướng Du lịch an toàn– Du lịch bền vững – Chất lượng cao. Các sự kiệnvà hội chợ du lịch nội địa và quốctế vẫn là kênh cần thiết và hiệu quả, giúp kết nối và xây dựng mạng lưới thông tin, nâng cao khả năng và cơ hội hợp tác. Qua đó, tăng cường năng lực tiếp cận khách hàng và Digital Marketing chính là cách thức tiên quyết, chủ đạo; đồng thời phát triển đa dạng các kênh truyền thông số của doanh nghiệp đáp ứng xu thế công nghệ và xu thế tiêu dùng thời hậu Covid.
Việc ứng dụng công nghệ trong việc đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá du lịch các doanh nghiệp cần số hóa hoạt động quản lý, điều hành để kiểm soát tốt giá cả, chất lượng sản phẩm cung cấp, chăm sóc khách hàng; xây dựng hệ thống sản phẩm kết nối với đa dạng các kênh bán, tăng khả năng tiếp cận của khách hàng; số hóa giao dịch, thanh toán điện tử để đáp ứng xu thế mua dịch vụ trực tuyến.
Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai
Hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, đang trong giai đoạn khó khăn nhất sau 1 năm ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19. Việc mở cửa trở lại đối với du lịch quốc tế tại Việt Nam sẽ có nhiều thách thức hơn, thời gian có thể kéo dài đến khi điều kiện cho phép, đảm bảo ưu tiên hàng đầu về tình hình kiểm soát dịch bệnh, an toàn sức khỏe cộng đồng trong nước. Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì, làm gì, để cùng với du lịch nội địa, hoạt động du lịch quốc tế sẵn sàng “bật dậy”, tận dụng mọi cơ hội “biến nguy thành cơ”, hồi phục hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.
Ông Võ Anh Tài, Phó Chủ tịch VISTA, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng cần đổi mới hoạt động lữ hành quốc tế sau Covid, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Toàn ngành du lịch Việt Nam tập trung cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép: Ưu tiên phòng chống dịch đến khi Việt Nam tuyên bố là quốc gia kiểm soát dịch tốt, không có ca nhiễm cộng đồng, không còn dịch bệnh để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp, khuyến cáo hạn chế, cấm du lịch quốc tế đối với Việt Nam. Tăng cường công tác nghiên cứu, theo dõi, dự báo: mỗi thị trường du lịch quốc tế sẽ hồi phục khác nhau tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Chuẩn bị sẵn sàng phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước. Tích cực duy trì hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam “An toàn & Hấp dẫn” thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, theo hình thức online tại các hội chợ du lịch quốc tế...
Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch HHDL TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch TST cho rằng, năm 2020 có sự thay đổi hoàn toàn về nhiều phương diện, trong đó có sự thay đổi rõ rệt về thói quen, nhu cầu và hành vi tiêu dùng nói chung của du khách. Để phát triển du lịch nội địa trở thành bộ phận chủ lực của du lịch trong nước các doanh nghiệp cần có sản phẩm an toàn và chất lượng, giá hợp lý; doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu kinh doanh uy tín, và hướng đến đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn dành cho nhóm gia đình; doanh nghiệp cần có sự cam kết và có trách nhiệm với những cam kết bằng hành động cụ thể.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, cần phát triển nhanh các loại hình du lịch MICE, phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, nhằm nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Du lịch Việt Nam. Việc phát triển du lịch MICE có liên quan tới việc phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái trong đó đặc biệt gắn với du lịch đô thị và du lịch golf. Việc phát triển sản phẩm du lịch đô thị tại các thành phố lớn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE, kết hợp mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, dịch vụ giải trí về đêm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực và đời sống đô thị. Bên cạnh đó, phát triển loại hình du lịch golf hiện nay ngày càng thu hút nhóm khách có khả năng chi trả cao, góp phần tăng tỷ trọng du lịch cao cấp của Việt Nam. Loại hình du lịch MICE nên ưu tiên đầu tư các lĩnh vực về phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch; điều phối, quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường nguồn nhân lực du lịch và liên kết kinh tế địa phương.
Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cũng cho biết, để thu hút ngày càng nhiều du khách đến Cát Bà trong thời gian tới, huyện Cát Hải dự kiến sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch Cát Bà; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận về các giải pháp phục hồi lữ hành du lịch trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai hoạt động du lịch an toàn, tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành; tập trung vào việc đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam trong thời đại 4.0; phát triển du lịch thể thao; du lịch nhóm nhỏ, sản phẩm combo hướng phát triển mới của du lịch...
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp lữ hành nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động trong năm 2021. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc, tái cơ cấu lại trong việc quản trị; thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, hành xử văn hoá trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung vào phân khúc du lịch nội địa, trong đó phải tìm phân khúc riêng, tìm kiếm sản phẩm du lịch khác biệt dành cho những khách hàng khác nhau. Lữ hành cùng các đơn vị phải tạo ra sản phẩm mới kết nối, định hướng, liên kết, từ đó thay đổi tư duy không chạy theo số lượng và mà đầu tư vào chất lượng. Để khôi phục và phát triển trong lĩnh vực lữ hành ngoài những việc nêu trên cần tập trung nâng cao nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần làm mới lại mình, xây dựng nguồn nhân lực để sau khi dịch bệnh được kiểm soát có thể xây dựng vị thế, chỗ đứng riêng của mình; phải ứng dụng số hoá để có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm lao động, tiếp cận tốt hơn với khách hàng...
Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các hoạt động và đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tham gia quyết liệt, triển khai có hiệu quả những nội dung mà VISTA khởi động với doanh nghiệp lữ hành trong năm 2021.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các Lễ ký kết hợp tác du lịch giữa Hiệp hội DLVN - UBND huyện Cát Hải; HHDL TP. Hồ Chí Minh – HHDL Đà Nẵng – HHDL Hải Phòng; Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc – miền Nam – Flamingo Holding.
Nhâm Hiền - Thảo Anh