Chơi bài tới, bài chòi dịp tết
Bài chòi theo nghĩa đen là người đánh bài ngồi trong chòi. Bộ bài được người đánh bài sử dụng là bộ bài tới. Gọi là bài tới bởi khi người chơi thắng ván bài thường nói lớn “Tôi tới rồi”. Ngày xưa ở miền Trung, bài tới được mọi lứa tuổi ưa thích. Lên nương rẫy vào những ngày tết, người ta không quên đem theo bộ bài tới để chơi giải trí. Khi chơi, họ ngồi trên chòi cao để tránh thú dữ và chọn một người “chạy hiệu” nhanh tay, lẹ miệng vừa chia quân bài, vừa rao, hò ván bài.
Bài chòi phổ biến ở miền Trung trong những ngày tết. Mỗi nơi có một lối chơi riêng, bài chòi Huế có điểm khác biệt so với lối chơi bài chòi ở Bình Ðịnh và Quảng Nam, thể hiện ở câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một ván bài.
Bộ bài tới gồm 30 cặp quân bài. Các quân bài được in trên giấy bản bồi cứng dài 12cm, rộng 3cm, bìa lưng màu đỏ. Tên gọi và hình vẽ các quân bài rất trừu tượng, in bằng kỹ thuật in mộc bản thô sơ.
Cách chơi bài chòi khá náo nhiệt. Người ta dựng lên 11 cái chòi bằng tre, mái lợp tranh. Chính giữa là chòi lớn nhất dành cho những người tổ chức cuộc chơi, gọi là chòi trung ương. Hai bên có 10 chòi nhỏ, tả hữu 5 chòi, là nơi ngồi của người tham dự cuộc chơi. Mở đầu cuộc chơi, có một người giữ chân chạy cờ, thường gọi là “chạy hiệu” đánh một hồi trống, mời các người chơi lên chòi. Bài chòi dùng bộ bài tới gồm 56 quân bài (không sử dụng hai cặp bạch tuyết và nọc đượng), mỗi quân bài tới được dán vào thẻ tre cứng cáp. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương đều được phát 5 thẻ, còn 1 thẻ để cho người chạy hiệu “đi chợ” hô lớn: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ là con…” . Chòi nào có quân bài thứ 2 trùng với tên quân bài đi chợ thì trả lời “có” lấy ra đưa kèm 1 quân bài khác. Cứ chơi như thế, đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo ở chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!” Bài chòi chơi tất cả 10 ván/1 hội.
Xăm hường đỗ Trạng
Đầu năm mới, người Huế có tục lên chùa lễ Phật và xin quẻ “xăm” (xăm chữ Hán có nghĩa là thẻ) để đoán vận hạn. Tiếng Huế gọi “lá xăm” là tấm giấy bìa cứng nhỏ cắt dán trên một thẻ tre, đánh số thứ tự tương ứng với nội dung quẻ bói. Hường là tiếng Huế đọc tránh từ “hồng” vì kị húy tên vua Tự Đức (Hồng Nhậm). Hồng hay hường ám chỉ sự rực rỡ, sáng lạn, may mắn. Vì vậy “xăm hường” là trò chơi để đoán may rủi trong năm mới.
Đổ xăm hường là trò chơi gieo các hột xúc xắc (6 hột), để tính điểm tương ứng với những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, trên ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa (tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên).
Toàn bộ xăm hường có tất cả 63 thẻ, chia làm 6 loại. Loại thẻ cao nhất là trạng nguyên được 32 điểm. Thẻ bảng nhãn, thám hoa được 16 điểm. Thẻ hội nguyên được 8 điểm. Thẻ tiến sĩ được 4 điểm. Thẻ cử nhân 2 điểm và thẻ tú tài được 1 điểm. Tổng cộng các thẻ gồm 192 điểm. Khi kết thúc ván bài, ai đang giữ trong tay những thẻ nào, cộng lại có được bao nhiêu điểm, tổng số điểm sẽ giúp xác định người thắng, kẻ thua.
Xăm hường là trò chơi giải trí tinh thần, ngay tên gọi của các thẻ xăm đã thể hiện tinh thần hiếu học, ước vọng khoa bảng của người xưa. Người ta thường chơi xăm hường trong những ngày tết, vừa để giải trí vừa để xem vận mệnh của mình trong năm mới.
Vũ Hào