Tại các phiên đối thoại diễn ra trong ngày, các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu, phân tích, kiến nghị những vấn đề cơ bản về du lịch và chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, khả năng và định hướng áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn trong việc đánh giá phát triển bền vững, các cách tiếp cận phát triển du lịch xanhvà đóng góp của ngành Hàng không cùng ngành Du lịch trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững. Đối thoại đã thảo luận toàn diện các vấn đề liên quan đến thực trạng, thách thức, cơ hội và những điển hình tốt trong việc phát triển du lịch bền vững, bao trùm để tất cả các đối tượng, thành phần có thể tham gia, hưởng lợi về kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình phát triển du lịch, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc về môi trường. Cũng tại Đối thoại, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đã chia sẻ về các kinh nghiệm và yêu cầu đối với phát triển du lịch bền vững.
Thông tin tới báo chí tại họp báo quốc tế sau phiên bế mạc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Tuyên bố cao cấp về du lịch bền vững nhấn mạnh chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững vì khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết nối và phát triển toàn diện” nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác APEC vì sự phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực. Đối thoại đã thống nhất đề nghị các nhà Lãnh đạo APEC xem xét đưa vào Tuyên bố 2017 nội dung khẳng định tầm quan trọng của du lịch bền vững với tư cách là động lực tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững và là phương thức phát triển cơ hội kinh doanh, tạo việc làm, coi trọng toàn diện các yếu tố xã hội, kinh tế và tài chính, tăng cường kết nối nhằm xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, toàn diện, đi lại thuận lợi giữa người dân và các doanh nghiệp.
Đây là tuyên bố có ý nghĩa rất quan trọng, chuyển tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững, bao gồm: coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên; khuyến khích nhu cầu của người tiêu dung đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; đẩy mạnh đối tác công - tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại.
Có thể nói, Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững đã thành công với những kết quả quan trọng, đóng góp cho Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây cũng là hoạt động cấp Bộ trưởng thứ ba của APEC mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong Năm APEC 2017. Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11/ 2017 về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.
HoaTrang