Chiều 13/6, tham gia giải trình về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch địa phương để bàn tất cả các khía cạnh liên quan nhằm đi đến một sự đồng thuận, mục đích là "có quy hoạch tốt để phát triển".
“Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng là Đà Nẵng sau khi rà soát lại tất cả các dự án, làm việc với các nhà đầu tư, với Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà xuống, bất cứ mức nào Chính phủ đều đồng ý, miễn là dưới ngưỡng 1.600 phòng. Nếu thành phố thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh”, Phó thủ tướng nói và thông tin thêm, trường hợp Đà Nẵng và Hiệp hội thấy rằng chưa cần phát triển du lịch Sơn Trà (để ưu tiên cho bảo tồn – P.V), xin rút khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì “Chính phủ cũng sẽ đồng ý”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quy hoạch du lịch Sơn Trà là vấn đề dư luận rất quan tâm, đi ra đường gặp người lái taxi, xe ôm, hàng nước… cũng thấy đề cập.
Tại sao có quy hoạch này? Ông Đam nêu câu hỏi và cho biết, việc lập quy hoạch căn cứ vào Luật du lịch, vì Luật đã quy định Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể các khu du lịch cả nước, trong đó có danh mục đô thị du lịch và khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
“Đà Nẵng được công nhận là đô thị du lịch và có hai khu du lịch quốc gia Bà Nà và Sơn Trà”, Phó thủ tướng nói. Ông cũng cho biết, quy định hiện hành yêu cầu các khu du lịch quốc gia phải có diện tích từ 1.000 ha trở lên, đón một triệu du khách mỗi năm và phải có cơ sở lưu trú.
Phó thủ tướng nói, quy hoạch du lịch Sơn Trà được khởi động từ năm 2013, phê duyệt năm 2016, và tổ chức công bố vào tháng 2/2017. Sau khi quy hoạch được công bố, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã có một số kiến nghị liên quan, trong đó có việc nên giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà hiện nay (khoảng 300 phòng – P.V). Tiếp nhận kiến nghị này, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá cùng thành phố Đà Nẵng phải xem xét tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách cầu thị, khoa học, công khai.
“Tôi đã trực tiếp đi nhìn tận mắt các công trình xây dựng trên Sơn Trà, cũng như những gì cần phải bảo tồn ở đây, đọc mấy trăm trang tài liệu, làm việc với kiến trúc sư thực hiện quy hoạch”, ông Đam cho biết. Trên cơ sở này, Phó thủ tướng sau đó đã chỉ đạo “tạm dừng quy hoạch du lịch Sơn Trà, nghĩa là chưa triển khai trên thực tế để việc tiếp thu ý kiến được khách quan”.
Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2013, Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch có xây dựng cơ sở lưu trú tại Sơn Trà với khoảng hơn 5.000 phòng. Tuy nhiên, đến quy hoạch thì số phòng giảm xuống còn 1.600, “con số này không phải dựa vào ý chí hành chính, mà các nhà chuyên môn cho biết đây là tính toán theo công thức mô hình chuyên ngành du lịch, và được phê duyệt cho lộ trình đến năm 2030”.
Trước kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về Sơn Trà, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, cuối tháng 5, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có trả lời chính thức, nói rõ “không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú mà Hiệp hội đưa ra”.
“Mặc dù Đà Nẵng nói vậy, tôi vẫn có văn bản giao thành phố làm việc với Hiệp hội về hướng và quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà, với nguyên tắc phải đảm bảo phát triển bền vững”, ông Đam nói.
Phó thủ tướng khẳng định, trong các trường hợp, “khi các yếu tố bền vững chưa được đảm bảo thì tốt nhất lui lại đến khi có đủ điều kiện mới làm”.
Theo ông, bảo tồn không cực đoan là “đóng khung lại”, thực tế trên thế giới có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên với động vật hoang dã nhưng vẫn được phát triển du lịch tốt. Với Sơn Trà, tỷ lệ đóng góp trong tổng thể du lịch cả nước còn khiêm tốn, khu vực này trước hết phục vụ kinh tế xã hội Đà Nẵng, cho nên cần có sự thống nhất của cấp uỷ, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân thành phố.
Cũng trên nghị trường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi của đại biểu về thông tin, “có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch liên quan đến Sơn Trà, thì cứ cái sau cắt đi 1.000 ha rừng so với cái trước?”.
Ông Đam nói, sự thật là tháng 1/2014, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà diện tích 3.871 ha; đến tháng 10/2014, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng toàn quốc, và diện tích rừng đặc dụng Sơn Trà là 2.591 ha; tới tháng 11/2016, quy hoạch du lịch Sơn Trà nêu diện tích khu du lịch này là 1.056 ha.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “3 con số trên là 3 khái niệm khác nhau, một là diện tích khu bảo tồn, 2 là rừng đặc dụng và 3 là phạm vi quy hoạch khu du lịch”.
Ông nhấn mạnh “không phải Chính phủ cứ phê duyệt quy hoạch sau thì cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước”. Theo ông, trong 1.056 ha quy hoạch du lịch, vẫn có rừng đặc dụng và "không phải để làm công trình hết mà diện tích xây dựng chỉ chiếm phần nhỏ".
"300 phòng ở Sơn Trà đã là nhiều"
Đăng ký tranh luận với phần giải trình của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng, do đó khi có vấn đề thì Chính phủ cần vào cuộc.
“Yêu mến Sơn Trà thì không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà dân cả nước, cũng giống như Hạ Long, Sơn Đoòng, Cát Bà… Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau”, ông Nghĩa nói và đề nghị, không thể đặt vấn đề giao cho UBND TP Đà Nẵng “quyết thế này, quyết thế kia” đều được.
"Chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn. Cá nhân tôi cho rằng, 300 phòng trên Sơn Trà đã là nhiều. Hiện phòng lưu trú ở trung tâm Đà Nẵng đang thừa, và từ trung tâm lên Sơn Trà chỉ mất 15 phút ôtô", ông Nghĩa nói.
|
Võ Văn Thành - Hoàng Thuỳ - Võ Hải
Nguồn: Vnexpress.net