Thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á - Thái Bình Dương kết nối và phát triển toàn diện
Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, hướng đến chủ đề chung “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức “Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững”, để đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững trong APEC, hưởng ứng Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời cũng hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển của Liên Hợp quốc.
Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Du lịch luôn là một trong những nội dung hợp tác ưu tiên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Những năm qua, cơ chế hợp tác du lịch APEC chính thức được hình thành và từng bước phát triển trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên. Các nền kinh tế đều quyết tâm của đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là công cụ tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi mạnh mẽ, ngành du lịch thế giới nói chung và APEC nói riêng đang có nhiều cơ hội phát triển, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức.
Có thể nói, Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững là sự kiện quan trọng trong Năm APEC Việt Nam 2017, sau Hội thảo kỹ thuật về du lịch bền vững đã được tổ chức nhân dịp Phiên họp Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) vào tháng 2/2017 tại Nha Trang. Việc tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững.
Đối thoại sẽ do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì, với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC). Theo thông tin từ Ban Tổ chức, tính đến thời điểm này đã có 18/21 nền kinh tế đã xác nhận tham dự Đối thoại. Đây là cơ hội để các nền kinh tế cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác, hội nhập trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững; đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của ngành du lịch và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững...
Dự kiến, các nhà Lãnh đạo du lịch APEC sẽ thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC: (1) Lồng ghép các nguyên tắc của du lịch bền vững trong tất cả các hoạt động du lịch và lữ hành; (2) Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch một cách bền vững; (3) Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất bền vững trong ngành du lịch; (4) Đo lường và giám sát sự thành công của các hành động thúc đẩy du lịch bền vững; (5) Nghiên cứu chuyên sâu để thích ứng và tận dụng những công nghệ mới để phát triển du lịch thông minh và bền vững; (6) Xây dựng một khuôn khổ hợp tác thống nhất cho hành động chung trong APEC để đảm bảo tính bền vững của du lịch và lữ hành.
Một số hoạt động bên lề của Đối thoại như: triển lãm ảnh du lịch, chương trình tham quan vịnh Hạ Long và một số điểm đến tại Quảng Ninh...
Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 tại Hội An năm 2006. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC”. Việt Nam tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Việt Namđã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC. |
Hạ Tinh